9h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận đối với nhóm vấn đề nội vụ.
Sớm hoàn thiện chế độ chính sách đối với cán bộ sau sắp xếp đơn vị hành chính
8h55: Phát biểu về một số vấn đề đại biểu nêu về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ đây là chủ trương lớn, quan trọng, thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị năm 2008, Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính.
Tiếp đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo lộ trình và yêu cầu đặt ra. Kết quả, việc thực hiện về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và các đơn vị trong giai đoạn 2019-2021 bước đầu hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, giảm được 8 huyện, 561 xã, góp phần tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế và giảm chi ngân sách nhà nước.
Trả lương cho cán bộ khối công lập cao hơn bên ngoài để giữ lực lượng tinh hoa
8h50: Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, những đơn vị nào chưa đảm bảo việc tự chủ tài chính được, không thu hút được nguồn lực từ bên ngoài thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo, để các đơn vị sự nghiệp công lập đó luôn luôn được đổi mới công nghệ, trang thiết bị, đảm bảo giữ được người giỏi.
Theo ông, có nhiều ý kiến cho rằng việc phục vụ ở môi trường công hay tư không quan trọng, quan trọng là đóng góp cho xã hội là được. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Phớc, soi chiếu từ các nước trong khu vực và trên thế giới, ví dụ Singapore - trả lương cho cán bộ công chức, viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập cao hơn bên ngoài, cao hơn khối doanh nghiệp. Mục đích để giữ người giỏi, kiến tạo chính sách, quản lý nhà nước tốt nhất, phải giữ được lực lượng tinh hoa nhất.
Tự chủ tài chính ở lĩnh vực giáo dục, y tế: Cần thận trọng, tránh theo phong trào
8h42: Tham gia giải trình, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính cho biết, Giáo dục – Đào tạo, Y tế là 2 trụ cột an sinh quan trọng nhất của chúng ta hiện nay. Nếu 2 lĩnh vực này phục vụ không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, học tập, sức khoẻ của người dân.
Vì vậy, khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập ở 2 lĩnh vực này cần rất thận trọng, chắc chắn, hiệu quả, tránh làm theo phong trào. Bởi khi đặt ra vấn đề tự chủ là để làm tăng tính chủ động, sáng tạo, tự quyết của đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tự chủ tài chính 100% thì có nghĩa sẽ được trả lương theo kết quả lao động. Còn nếu đảm bảo chi thường xuyên thì trả lương theo quy định, số tiền còn lại được đưa vào quỹ thu nhập để tái đầu tư cơ sở vật chất.
Nếu Nhà nước đảm bảo 100%, hiện nay còn đang khuyến khích khoán chi đến các bộ phận. Dù thế nào vẫn phải đáp ứng được mục tiêu cuối cùng là đảm bảo tốt nhất cho người dân.
Nhầm lẫn giữa “giảm biên chế viên chức” và “giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước”
8h38: Trả lời chất vấn về việc giảm biên chế theo chỉ tiêu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, căn cứ đặc thù từng vùng miền sẽ có một số khó khăn trong thực hiện, nhất là về giáo dục và y tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang nhầm lẫn giữa “giảm biên chế viên chức” và “giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước”. Bộ Nội vụ sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương, thúc đẩy xã hội hóa, tự chủ cao hơn ở những địa phương có điều kiện.
Về giải pháp khắc phục tình trạng tinh giản biên chế cơ học, xây dựng nền công vụ tinh gọn, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp; hoàn thiện hành lang pháp luật, thay thế Nghị định cũ đảm bảo thực hiện hiệu quả tinh giản biên chế.
Thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công: Chính sách tốt nhưng thực hiện còn hạn chế
8h35: Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi tình trạng nhân lực khu vực công nghỉ việc rất nhiều, đồng thời tỷ lệ cán bộ nữ được bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cấp còn chưa đạt mục tiêu.
Trả lời về việc thu hút nhân lực chất lượng cao vào khu vực công, Bộ trưởng thừa nhận, dù chính sách tốt, nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Bộ sẽ đánh giá lại tổng thể, toàn diện việc thực hiện chủ trương thu hút nhân lực, nghiên cứu xây dựng nghị định mới về thu hút, tuyển dụng tài năng, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc cải thiện môi trường làm việc, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho khu vực công.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã, Bộ trưởng cho biết, chất lượng đã được nâng lên rõ rệt. Tới đây, Bộ sẽ xây dựng đề án liên thông cán bộ, công chức cấp xã thay thế Nghị định cũ, đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ công chức cấp xã được nâng lên, liên thông với cấp huyện, cấp tỉnh. Đề nghị các địa phương tiếp tục chăm lo, xây dựng chất lượng cán bộ công chức cấp xã.
Giám sát thế nào khi không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường?
8h25: Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) hỏi: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội không tổ chức HĐND phường; tại TPHCM và Đà Nẵng không tổ chức HĐND quận, HĐND phường. Đề nghị Bộ trưởng cho biết hoạt động giám sát của HĐND thành phố đối với những nơi không tổ chức HĐND quận, HĐND phường có những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc như nào đồng thời chỉ ra giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đặt ra?
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Mô hình tổ chức chính quyền đô thị là mô hình mới thực hiện, vận hành từ 1.7.2021 đối với thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 năm sẽ tiến hành sơ kết việc thực hiện để rút ra bài học kinh nghiệm.
Hiện nay, qua khảo sát, những nơi không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường, các địa phương cũng đã quan tâm thực hiện vai trò giám sát của HĐND cấp trên đối với cấp dưới khi không có HĐND cùng cấp...
Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa đạt được mục tiêu
8h15: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH.
Liên quan tới việc thực hiện tự chủ ở các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở ngành y tế, giáo dục, Bộ trưởng cho biết đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Việc thực hiện tự chủ đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, tuy nhiên một số mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Bộ trưởng cho biết, tự chủ về tài chính, về chi thường xuyên và chi đầu tư đã đạt 6,6%, tự chủ toàn phần đạt 18,7% số các đơn vị sự nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, nhìn tổng thể kết quả vẫn còn khiêm tốn do nhiều nguyên nhân, như chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự chủ; do ảnh hưởng đại dịch COVID-19; sự hướng dẫn của cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt …
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tự chủ đơn vị sự nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp như: tổ chức Hội nghị đánh giá toàn diện việc thực hiện tự chủ các đơn vị sự nghiệp để có cái nhìn tổng quát, khơi thông những bế tắc; rà soát sửa đổi toàn diện, nhất quán, liên thông các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này; các Bộ, ngành địa phương, các đơn vị sự nghiệp cần nêu cao tinh thần quyết tâm trong việc thực hiện tự chủ.
Nguồn thu khó khăn nên các đơn vị xin thôi không tự chủ toàn phần
8h10: Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời về vấn đề tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cùng với việc thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cũng tiến hành hoàn thiện một số chính sách như chính sách đất đai hay về đấu thầu.
Trước thực trạng một số đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ tài chính toàn phần vừa qua như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K hay Bệnh viện Việt Đức, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay hiện nay huy động nguồn lực xã hội để thực hiện cho công tác tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn.
Cụ thể như nguồn thu khó khăn, liên doanh, liên kết cũng khó khăn… cho nên các đơn vị xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần mà xin thực hiện tự chủ một phần. Tức sẽ tự chủ phần chi thường xuyên; còn chi đầu tư, ví dụ như mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở mới..thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng điều này là hợp lý để miễn sao phục vụ cho người dân tốt nhất và làm thế nào để cho đơn vị ngày càng phát triển nhất. Từ tự chủ chi thường xuyên sẽ tiến tới khi có nguồn thu ổn định và phát triển thì sẽ tự chủ toàn bộ. Có như vậy chất lượng dịch vụ ngày một tăng lên và phục vụ người dân ngày một tốt hơn.
UBND cấp tỉnh quyết định việc chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về UBND huyện quản lý
8h06: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn về việc thực hiện Nghị quyết 41, phân cấp quản lý trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về mô hình trung tâm y tế cấp huyện thực hiện đa chức năng, Bộ Y tế đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, cơ quan y tế cấp huyện, theo hướng các cơ sở này hoạt động đa chức năng, quản lý hệ thống trạm y tế cấp xã.
Liên quan đến việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao cho UBND cấp huyện quản lý, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37 năm 2021 trong đó có hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc UBND cấp tỉnh và Phòng y tế thuộc UBND cấp huyện. Trong đó quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định việc chuyển các trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý khi đảm bảo đủ các điều kiện.
Đến thời điểm này, đã có các địa phương đánh giá, rà soát hoạt động để chuyển trung tâm y tế cấp huyện về UBND cấp huyện quản lý.
8h02: Quốc hội tiếp tục chất vấn
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, mở đầu buổi làm việc sáng 5.11, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ báo cáo Quốc hội một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế mà đại biểu quan tâm.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu thêm về vấn đề tự chủ về các đơn vị sự nghiệp công lập. Sau đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời 9 vấn đề chiều ngày 4.11 các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ phát biểu và kết thúc phần chất vấn đối với lĩnh vực nội vụ.
Sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 3.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn chiều qua (4.11), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với tinh thần cầu thị, không né tránh, phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ đã hoàn thành tương đối tốt.
Đối với 7 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, sáng mai (5.11) Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiếp tục trả lời các câu hỏi này của đại biểu Quốc hội.
Các nhóm vấn đề chất vấn:
- Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc ban hành văn bản thực hiện Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.
- Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; nguyên nhân, giải pháp của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây.
- Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.
- Giải pháp giải quyết vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.