Kế hoạch của Iraq
AP đưa tin, ngày 27.5, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani công bố kế hoạch dự án giao thông khu vực trị giá 17 tỉ USD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hàng hóa và hành khách từ châu Á đến châu Âu.
Thông báo được đưa ra tại hội nghị ở Baghdad với sự tham gia của các bộ trưởng giao thông và đại diện từ Iraq, các nước vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Syria và Jordan.
Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cho biết, dự án “Con đường Phát triển” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ vùng Vịnh qua cảng Grand Faw ở Basra, miền nam Iraq, tới Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó đến châu Âu thông qua mạng lưới đường sắt và đường cao tốc.
Theo Thủ tướng al-Sudani, trọng tâm của dự án sẽ là phát triển cảng Grand Faw và một thành phố công nghiệp thông minh liền kề với cảng.
Dự án - bao gồm việc xây dựng khoảng 1.200 km đường sắt và đường cao tốc - sẽ là “huyết mạch kinh tế và cơ hội đầy hứa hẹn để hội tụ các lợi ích, lịch sử và văn hóa, giúp các quốc gia chúng ta trở thành nguồn cung cấp các ngành công nghiệp và hàng hóa hiện đại” - ông al-Sudani nhấn mạnh.
“Con đường Phát triển” nhằm nối cảng Grand Faw ở miền nam giàu dầu mỏ của Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ, biến nước này thành một trung tâm trung chuyển bằng cách rút ngắn thời gian đi lại giữa châu Á và châu Âu, cạnh tranh với kênh đào Suez ở Ai Cập.
Mở cánh cửa phát triển
Ông Farhan al-Fartousi - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng vụ Iraq - nói với Reuters: "Con đường Phát triển không chỉ là con đường vận chuyển hàng hóa hoặc hành khách. Con đường này mở ra cánh cửa phát triển cho các khu vực rộng lớn của Iraq".
Chính phủ Iraq dự kiến, các đoàn tàu cao tốc vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ có tốc độ lên đến 300 km/h, liên kết với các trung tâm công nghiệp địa phương.
Bên cạnh đó, dự án có thể bao gồm các đường ống dẫn dầu và khí đốt.
Dự án sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể so với mạng lưới giao thông lâu đời hiện có của Iraq.
Dịch vụ đường sắt của Iraq đang vận hành một số tuyến, bao gồm vận chuyển dầu chậm và một chuyến tàu chở khách qua đêm duy nhất chạy từ Baghdad đến Basra, mất 10 đến 12 giờ để đi hết 500 km.
Ông Fartousi cho hay, cảng Grand Faw - được thiết kế hơn một thập kỷ trước - đang hoàn thành được một nửa chặng đường.
Vào đầu thế kỷ 20 đã có dự án phát triển một tuyến đường cao tốc từ Baghdad đến Berlin (Đức) để vận chuyển hành khách giữa Iraq và châu Âu.
“Chúng tôi sẽ làm cho tuyến này hoạt động trở lại và kết nối nó với các quốc gia khác” - ông Fartousi nói, đồng thời lưu ý rằng kế hoạch này cũng sẽ giúp chở khách du lịch và người hành hương đến các thánh địa của người Shiite ở Iraq và Mecca ở Saudi Arabia.
Những hứa hẹn về sự phát triển đã có từ lâu ở Iraq nhưng cơ sở hạ tầng vẫn xuống cấp ngay cả khi chính phủ của Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani nỗ lực xây dựng lại cầu đường.
Nhưng các quan chức nói rằng, “Con đường Phát triển” dựa trên điều mới mẻ, đó là một giai đoạn tương đối ổn định kể từ cuối năm ngoái mà họ hy vọng có thể được duy trì.
Nếu công việc bắt đầu vào đầu năm tới, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2029.
"Ngay cả khi Iraq vắng mặt trong một hoặc hai năm hoặc một hoặc hai thập kỷ, nước này phải trở lại vào ngày này hay ngày khác. Hy vọng những ngày này là khởi đầu cho sự trở lại của Iraq" - ông Fartousi nói.
Thủ tướng al-Sudani không cho biết, dự án sẽ được tài trợ như thế nào nhưng lưu ý, Iraq sẽ “phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác… với các quốc gia anh em và thân thiện”.
Các quốc gia tham gia hội nghị hôm 27.5 đồng ý thành lập các ủy ban kỹ thuật chung để thúc đẩy dự án.
Mối quan hệ của Iraq với các quốc gia vùng Vịnh đã trở nên căng thẳng trong những thập kỷ gần đây, khi các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn nổi lên ở Iraq sau cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu lật đổ cố Tổng thống Saddam Hussein và tạo ra khoảng trống quyền lực ở nước này.
Tuy nhiên, Iraq đã có những dấu hiệu cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Vào tháng 1, Iraq đăng cai tổ chức Cúp bóng đá vùng Vịnh Arab gồm 8 quốc gia tại Basra - giải bóng đá quốc tế đầu tiên mà quốc gia này đăng cai sau hơn 4 thập kỷ.