Được hưởng 4,5% số tiền nộp của... “con bạc tiếp theo”
Trong vai người có vốn nhàn rỗi muốn tham gia góp vốn cùng Cty, chúng tôi được nhân viên Hoàng Mạnh Cường tư vấn khá kỹ, rõ ràng về cách tham gia, rất nhiều quyền lợi cũng được vẽ ra. Theo đó, sau khi nộp tiền làm thẻ thành viên với mệnh giá 300.000; 500.000 và 800.000 đồng, người tham gia sẽ được cấp một mã số và một chiếc thẻ nhựa bình thường ghi mã số này. Sau đó, để tiếp tục tham gia các “cuộc chơi” tài chính của Cty này, người tham gia phải nộp tiền vào tài khoản của Cty ở TPHCM, sau đó Cty sẽ báo chuyển tiền vào tài khoản của người tham gia bằng tin nhắn để người tham gia có thể mua sắm hoặc tham gia làm cổ đông. Nhiều người nộp hàng trăm triệu đến tiền tỉ trực tiếp tại chi nhánh này để làm cổ đông đã không nhận được bất kỳ giấy nhận tiền, hoá đơn chứng từ theo quy định nào.
Người tham gia góp vốn làm cổ đông của Cty với tỉ suất lợi nhuận cao sẽ phải ký một hợp đồng với tên gọi “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với Cty. Nếu muốn nhận lợi nhuận 3% tháng, người tham gia phải cam kết tham gia đủ 24 tháng. Theo đó, mỗi tháng, Cty sẽ trả cho người chơi 3% trên tổng số vốn góp.
Với chiêu thức trên, Cty CP Hitas - Chi nhánh Thanh Hoá đã hút được khá nhiều người tham gia, đặc biệt những người cao tuổi, có phần tiền nhàn rỗi và người... muốn giàu nhanh. Sức hút lớn ở đây là tỉ suất lợi nhuận 3%. Không những vậy, người tham gia cổ đông nếu mời chào được một người khác sẽ được hưởng 4,5% trên tổng số tiền người sau nộp (F1), người tiếp theo (F2) là 1,5%, F3 là 1%…
Đổ trách nhiệm cho người tham gia
PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với ông Trịnh Đình Tuyết - Giám đốc Chi nhánh Cty Hitas Thanh Hoá. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của chúng tôi: “Nếu người tham gia ký hợp đồng, gửi 1 tỉ đồng cho Cty và làm cổ đông, lấy gì để đảm bảo số tiền người tham gia gửi là an toàn và yên tâm là nhận được lợi nhuận 3%/tháng trong suốt thời gian 24 tháng”, ông Tuyết lại chỉ liên tục nói về tính ưu việt của mô hình kinh doanh, về khát vọng đưa mô hình phát triển toàn quốc và toàn cầu (?),...
Ông Tuyết cũng từ chối phân tích, trả lời về những rủi ro người tham gia có thể gặp phải như: Nếu bỗng một ngày, Cty thông báo là làm ăn không có lãi nên không trả đủ lợi nhuận 3% thì sao? Và nếu một ngày Cty tuyên bố phá sản, TGĐ không liên lạc được thì số tiền người chơi đã nộp cho Cty này sẽ xử lý thế nào? Số tiền gốc và phần trăm cổ phiếu nội bộ thưởng sẽ được Cty xử lý ra sao?…
Sau cuộc gặp với ông Trịnh Đình Tuyết, PV đã nhờ các chuyên gia tư vấn tài chính phân tích cái gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh. Mấu chốt câu trả lời hiện ra tại điểm 4.4 của Điều 3 “Quy định về vốn góp, uỷ quyền quản lý vốn và phân chia kết quả lợi nhuận”. Theo đó, điểm này ghi: “Các bên cam kết chịu trách nhiệm tương ứng với tỉ lệ vốn góp của mình trong trường hợp có rủi ro trong hoạt động kinh doanh”.
Vậy là đã rõ, mặc dù ký phụ lục hợp đồng với cam kết người tham gia được nhận 3% lợi nhuận trên tổng số vốn mình góp nhưng nếu một ngày xấu trời, Cty gặp rủi ro thì người tham gia phải “chịu trách nhiệm tương ứng”. Không có gì đảm bảo cho số tiền gốc và lãi của người tham gia. Đó phải chăng là cách tính để thoát ra của Cty này?