Bán hàng online
Chị Đoàn Thị Hạnh (quê ở Yên Bái) làm công nhân (CN) Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 2 năm nay. Với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng, chị Hạnh phải cố gắng xoay xở mới đủ để trang trải cho cuộc sống. Để có thêm thu nhập, ngoài làm CN, chị Hạnh còn bán giày trên mạng (online). Quen một người ở kho giày (chuyên nhập về bán sỉ cho các shop), chị Hạnh đăng ảnh lên Facebook để kiếm khách mua. Khi có khách đặt, chị sẽ chạy ra kho lấy giầy rồi đi giao cho khách.
“Nếu may mắn, các bài quảng cáo được admin các hội, nhóm cho đăng thì tôi sẽ có được nhiều khách hơn. Nếu chỉ đăng trên Facebook cá nhân, rất ít khách mua” - chị Hạnh cho hay. Để “hút” khách, chị Hạnh thường xuyên trau đồi khả năng viết của mình để lời quảng cáo nghe hấp dẫn.
Công việc làm thêm này mang lại thu nhập đáng kể cho chị Hạnh, tuy không ổn định. Theo chị Hạnh, có tháng chị kiếm được 2-3 triệu đồng từ nghề “tay trái” này, nhưng có tháng không được đồng nào.
Ngoài bán giày, chị Hạnh còn làm cộng tác viên bán xe máy cho hãng. Trên Zalo của nữ CN này dày đặc những lời quảng cáo bán xe máy cũng như những lần “chốt” hàng. Chị Hạnh cho biết, có tháng chị được 2-3 khách mua xe, nhưng có tháng không có khách nào. Mỗi lần bán được hàng, hãng xe sẽ trả công cho chị tuỳ thuộc vào số tiền khách trả góp. “Nói chung, mỗi lần “chốt” hàng, tôi được khoảng 500.000-600.000 đồng”- chị Hạnh tiết lộ.
Hai “nghề tay trái” này giúp chị có thêm chút thu nhập để trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, nhất là để lo cho Tết sắp tới. Xa hơn nữa, chị dành dụm một khoản tiền để lo cho những dự định trong tương lai.
Muốn làm thêm việc khác nhưng không được
Khác với chị Hạnh, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh - cũng là CN KCN Thăng Long - đã có gia đình với 2 con, vì vậy, áp lực tiền bạc đối với chị càng lớn hơn.
Làm CN đã 9 năm nay, nhưng tổng thu nhập của chị Ngọc Anh hiện nay chỉ khoảng 6,5 triệu đồng (sau khi đã đóng bảo hiểm). “Năm trước, đơn hàng về nhiều nên CN làm thêm nhiều, có xưởng làm thêm 70-80 giờ/tháng. Nhờ tăng ca nhiều, thu nhập của CN thời điểm đó cao hơn, lên tới 9-10 triệu đồng/tháng. Riêng xưởng tôi chỉ tăng ca 30 giờ/tháng nên thu nhập của tôi là 7,5 triệu đồng/tháng. Tuy không bằng các xưởng khác nhưng mức đó vẫn cao hơn thu nhập hiện nay của tôi”- chị Ngọc Anh nói.
Từ đầu năm đến giờ, do ảnh hưởng của COVID-19 nên công ty chị không tổ chức tăng ca. Thời gian này, đơn hàng về nhiều hơn, nên công ty vừa thông báo là sắp tới sẽ làm sẽ làm thêm 4 giờ/ngày. “Như nhiều CN khác, tôi mong được làm thêm, vì có như vậy thì mới có thêm thu nhập. Mức thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng như hiện nay chỉ đủ cho tôi chi trả tiền ăn học, tiền sữa của 2 con, tiền thuê nhà trọ; còn mọi khoản khác như tiền ăn, xăng xe… trông chờ vào mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng của chồng tôi” - chị Ngọc Anh bày tỏ.
Nghe nhiều CN ở công ty đi làm thêm một nghề khác để kiếm thêm thu nhập, chị Ngọc Anh cũng rất muốn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chị vẫn chưa biết làm nghề gì cho hợp. Chị tự nhận không “khéo ăn khéo nói” nên không theo được nghề bán hàng online, còn làm một số nghề khác thì chị không chủ động được về thời gian.
“Ở chợ Mun, nhiều chủ hàng hay thuê người bán quần áo, trả công 10.000-20.000 đồng/giờ. Tôi muốn làm thêm việc này, nhưng họ thuê cố định theo buổi, còn tôi làm việc tại công ty không cố định về khung thời gian, lúc làm ca chiều, khi làm ca sáng. Hơn nữa, việc dọn dẹp nhà cửa, đón con, nấu cơm… đã chiếm hết thời gian của tôi rồi. Vì vậy, tôi đành bỏ ý định trên”- chị Ngọc Anh cho hay.
Chị Ngọc Anh chia sẻ, gần cuối năm, chị càng cảm thấy áp lực về tiền bạc nặng nề hơn. Quê ở Nghệ An nhưng lấy chồng ở Nam Định, nên riêng tiền xe đi lại đã tiêu tốn của chị khá nhiều vào dịp Tết. Nhưng trước mắt, chị chỉ biết trông chờ công ty sẽ làm thêm nhiều hơn.