Không được tăng ca, chỉ dám ăn cơm với trứng
Bùi Đinh Phương (20 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội), làm việc cho một công ty (Cty) trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Trong căn phòng trọ của Phương, không có gì nhiều ngoài mấy bộ quần áo, cái chăn bông, nồi cơm điện, ấm nước và một chiếc xe đạp điện cũ.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, tới hôm 8.3, Phương mới được đi làm trở lại. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ 3, Phương không còn được tăng ca, chỉ làm 8 tiếng/ngày, thu nhập hiện tại chỉ còn khoảng 4,8 triệu đồng/tháng.
Không được tăng ca, Đinh Phương phải hết sức tiết kiệm. Với số tiền lương nhận được, hằng tháng, Phương gửi về cho gia đình 3 triệu đồng phụ giúp bố mẹ trả nợ, còn chỉ giữ lại cho mình một ít để trả tiền nhà trọ cùng tiền ăn hằng ngày.
Hiện, Phương làm ca tối từ 20 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Với thời gian làm việc như vậy, bữa sáng, Phương ăn qua loa chiếc bánh mì, bữa trưa cắm nồi cơm, hấp thêm vài quả trứng rồi để dành cho bữa tối ăn trước khi đi làm. Nếu làm ca đêm, đúng 12 giờ, Phương sẽ được Cty cung cấp suất cơm gồm món xào, cơm, canh, thịt. Đinh Phương xem đây như bữa chính. “Thức ăn như vậy là đầy đủ chất rồi” - Phương nói.
Dịch khiến nhiều nhân sự trong Cty bị mất việc, Phương may mắn được giữ lại vì đã được ký hợp đồng. Nhưng Phương vẫn trong tình trạng thấp thỏm vì sợ không biết bao giờ đến lượt mình. Nhiều tháng nay, thức ăn của cô chỉ đơn giản có cơm và trứng. Nếu mất việc, Phương không biết sẽ phải cắt giảm chi phí ở mức nào.
Sống cảnh “cơm niêu nước lọ”
Trong quá trình tác nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, phóng viên Báo Lao Động gặp khá nhiều những trường hợp nam công nhân (CN) đã có vợ, con, nhưng phải sống cảnh “độc thân”, cơm niêu nước lọ.
Anh Trần Văn Đông (quê ở Phú Thọ) - CN một Cty điện tử tại KCN Thăng Long, đang thuê trọ một mình tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Trước đây, đã có thời gian vợ con anh Đông sống cùng trên Hà Nội. Thời điểm ấy, con anh đang học mẫu giáo, gửi trường tư nên vợ chồng có thể chủ động hơn trong việc đưa đón con. Nhưng từ khi con đến tuổi đi học lớp 1, anh Đông nghĩ sẽ rất khó để sắp xếp công việc đưa đón con. Nếu thuê người để đưa đón con sẽ mất thêm một khoản tiền.
“Trong khi đó, hai vợ chồng phải làm thêm, tăng ca để có thêm thu nhập, rất khó để dạy dỗ, chăm sóc con được tốt nhất. Vì vậy, hai vợ chồng tôi bàn nhau để vợ và con về quê, còn tôi ở lại KCN tiếp tục làm CN. Ở quê, còn được ông bà hỗ trợ thêm” - anh Đông cho hay.
“Thực sự tôi không muốn gia đình mỗi người một nơi như thế này, nhưng vì hoàn cảnh nên vợ chồng tôi buộc phải như vậy. Tôi dự định làm ở đây 1, 2 năm rồi sẽ trở về quê cùng vợ con”- anh Đông chia sẻ.
Anh Vũ Đình Nam (trú tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cũng đã có vợ, con, nhưng gia đình không được gần nhau. Vợ anh sống ở quê (Ba Vì, Hà Nội). Mỗi tuần, anh Nam đều đi xe máy về nhà để thăm vợ con. Có hôm thấy buồn, nhớ nhà quá, anh đi xe máy về ngủ ở nhà 1 đêm rồi sáng hôm sau đi xe máy lên KCN Thăng Long làm việc.
Anh Nam nói rằng, ở quê anh khó kiếm việc, mà thu nhập lại không ổn định bằng đi làm CN. Vì vậy, anh chấp nhận lên KCN Thăng Long để thuê trọ làm CN, còn vợ và con ở quê với ông bà nội. Mỗi tháng, thu nhập của anh chỉ vào khoảng 6 triệu đồng. Anh phải sống rất tằn tiện để có thể gửi về nuôi vợ, con.
“Tôi cũng muốn hằng ngày thường xuyên được gặp vợ con, nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Ở gần nhau mà không có thu nhập tốt để nuôi các con thì cũng không ổn. Đành chịu thiệt thòi!”- anh Nam tâm sự.