Dự thảo có nhiều điểm đổi mới, phù hợp tình hình, giai đoạn mới
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch CĐ Viên chức VN Nguyễn Giang Tuệ Minh đề nghị các đại biểu cho ý kiến vào 14 nhóm vấn đề cần chỉnh sửa bổ sung trong điều lệ như đối tượng tập hợp của CĐ, quyền và nhiệm vụ của đoàn viên, nội dung về ban chấp hành CĐ các cấp… Với mô hình của một số bộ đa ngành như hiện nay, các tổng cục, tập đoàn kinh tế, viện, học viện hiện đang là CĐCS trực thuộc CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở có phù hợp không? Từ đó, các đại biểu thảo luận để chỉ ra những thuận lợi khó khăn và đề xuất mô hình phù hợp.
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, trong đó nhấn mạnh tới việc dự thảo Điều lệ CĐVN đã có nhiều điểm, nội dung phù hợp với tình hình tổ chức CĐ trong tình hình mới, giai đoạn mới; tăng cường vai trò của tổ chức CĐ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, cũng như đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp cho NLĐ.
Trong đó, Phó Chủ tịch CĐ Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền dành khá nhiều tâm huyết cho ý kiến của mình về đối tượng kết nạp đoàn viên. Trong đó, dự thảo về “Đối tượng không kết nạp vào tổ chức CĐVN và đoàn viên danh dự do Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN hướng dẫn”, qua nghiên cứu đại biểu Huyền đề xuất thêm một đối tượng nữa chưa xem xét kết nạp vào tổ chức CĐ đó là các đối tượng đang bị điều tra hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, dự thảo bổ sung khái niệm cán bộ CĐ trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong mục “cán bộ CĐ chuyên trách được CĐ cấp trên tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, làm việc thường xuyên tại CĐCS” chưa có nhóm CĐ chuyên trách cấp trên cơ sở trong các bộ ngành, nhóm này chưa được quy định ở đâu. Trong quy định này, quy định đối tượng nhưng chưa quy định nhiệm vụ của cán bộ CĐ chuyên trách trong cơ quan CĐ và cơ quan
nhà nước.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp để có điều chỉnh
Sau khi lắng nghe những ý kiến của đại biểu về dự thảo Điều lệ CĐVN khoá XII (sửa đổi, bổ sung), đồng chí Nguyễn Duy Vũ - Phó ban Tổ chức Tổng LĐLĐVN - đánh giá, các ý kiến xuất phát từ thực tiễn, xem xét ở nhiều góc độ, nhiều chương, điều đối chiếu với đặc thù của CĐ Viên chức VN. Đồng thời đồng chí Nguyễn Duy Vũ còn làm rõ thêm một số vấn đề như về quy định số lượng đại biểu tham gia đại hội. Hiện nay điều lệ quy định số lượng tối đa, nhưng chưa quy định số lượng tối thiểu, tỉ lệ tham dự. Trong khi đó, có những doanh nghiệp đông đoàn viên, như tới 3.000 đoàn viên, nhưng với lý do khó khăn khi tổ chức đại hội chỉ có 50 người. Về bầu cử trên số đại biểu triệu tập, đại biểu có mặt, hay trên số phiếu thu về, đồng chí Nguyễn Duy Vũ cho biết mỗi tổ chức có điều lệ dựa trên đặc thù không nhất thiết phải giống nhau. Trong khi đó, thực hiện theo số phiếu thu về sẽ đảm bảo thực tiễn vì dựa trên số triệu tập, số có mặt vẫn có những đại biểu vắng mặt. Hơn nữa, đại hội, hội nghị CĐ các cấp hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên được triệu tập tham dự.
Về tên gọi, các cấp CĐVN thống nhất và xuyên suốt khi điều lệ sửa đổi là CĐVN, đồng chí Nguyễn Duy Vũ cho rằng, tới đây Bộ luật Lao động sẽ sửa đổi. Khi hội nhập quốc tế, Luật Lao động VN phải tiệm cận Công ước Quốc tế, do đó tên của tổ chức đại diện cho NLĐ cũng sẽ có điều chỉnh phù hợp, tuy có những ý kiến khác nhau nhưng CĐVN có đặc trưng riêng nên không thể so sánh, áp dụng theo mẫu cụ thể nào. Về quy định rõ mức khung uỷ viên ban chấp hành so với số lượng đoàn viên CĐ, đây được cho là ý kiến hay. Thực tế, có những doanh nghiệp như PouYuen TPHCM có tới 90.000 đoàn viên, Samsung có gần 100.000 đoàn viên thì số lượng ban chấp hành như thế nào? Theo đồng chí Nguyễn Duy Vũ, đã có đề xuất thí điểm CĐCS cao nhất là 27 ủy viên ban chấp hành. Tới đây, nếu không đưa vào điều lệ thì sẽ đưa vào hướng dẫn để mở rộng khung ban chấp hành.