Chuyện về một nghĩa sĩ Cần Vương người Thái

HỮU VI |

Đốc Thiết là vị thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống Pháp của người Thái ở Nghệ An cuối thế kỷ 19. Ông là một vị anh hùng trong tâm thức của nhiều người dân ở miền “đá đỏ”.

Nghĩa sĩ Cần Vương 

Đốc binh Lang Văn Thiết, sinh năm 1850, tại bản Chiềng, làng Gia Hội, tổng Đồng Lạc, nay thuộc xã Châu Hội huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Từ nhỏ, ông đã ham luyện cung, múa kiếm, lớn lên thân hình cường tráng lại giao lưu rộng nên có uy tín lớn trong cộng đồng. Ông được chính quyền đương thời phong chức đốc binh và sử sách quen gọi là Đốc Thiết.

Theo sách “Địa chí huyện Quỳ Châu” do PGS - TS Ninh Viết Giao biên soạn thì trong lần đi Trung Quốc, Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi đã dừng chân tại đại bản doanh của Đốc Thiết. Tại đây, ông được Tôn Thất Thuyết giao nhiệm vụ phối hợp với nghĩa quân của Cầm Bá Thước ở miền Tây Thanh Hóa lập căn cứ chống Pháp. Cuộc kháng chiến kéo dài hơn 10 năm trên địa bàn miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa do Đốc Thiết chỉ huy đã kết thúc bằng sự hy sinh của ông tại làng Thanh Nga (xã Châu Nga - Quỳ Châu). Năm đó, Lang Văn Thiết 47 tuổi. Ông được ghi nhận là một trong số ít người dân tộc thiểu số hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi cầm quân đánh đuổi giặc Pháp xâm lược.

Theo lời kể của ông Lang Văn Thắng (chắt nội của Đốc Thiết) thì chuyện về sự hy sinh của ông có phần khác so với sử sách ghi lại: Trong giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân của Đốc Thiết lâm vào tình cảnh khó khăn nên ông muốn chạy đến nương nhờ em rể là Cầm Bá Thước cũng đang đứng lên chống Pháp ở miền núi Thanh Hóa. Lúc đó, Cầm Bá Thước đã bị giặc bắt đem bắn. Khi mất đi mối liên minh, ông đành phải co cụm lại ở căn cứ Trịnh Vạn tại xã Châu Nga ngày nay. Ngày ấy, quan phủ nói rằng nếu ai giết được Đốc Thiết thì những gì chìm dưới đất trong làng sẽ thuộc về người đó, quan phủ chỉ lấy những gì nhìn được như ruộng nương, vườn tược... Dù đã đề phòng cẩn thận nhưng ông không biết rằng kẻ thù đã dùng đường tắt vào mai phục dưới gầm sàn. Đêm ấy, thấy có động, ông ra cửa sổ ngóng tình hình thì có 4 khẩu súng thò lên bắn. Ông dính đạn bị thương. Sau khi tự cầm máu bằng thuốc phiện rồi chạy, đến cửa suối nơi con khe Châu Nga đổ ra sông Hiếu, ông bị kẻ địch đuổi và giết hại. Thủ cấp bị giặc treo trên cây táo để thị chúng.

Sau này, hài cốt của Đốc Thiết được chuyển từ Châu Nga về chôn cất ở Châu Hội, nơi ông sinh thành. Khu di tích mộ Lang Văn Thiết được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích Lịch sử - văn hóa vào năm 1998. Khu mộ tọa lạc trên khuôn viên có diện tích khoảng 800m2. Cạnh ngôi mộ được bốc dời về từ xã Châu Nga là một cây táo được cho là nơi giặc Pháp treo thủ cấp Đốc Thiết. Về sau, cây táo này từng bị chặt hạ nhiều lần nhưng từ gốc lại nảy mầm chồi mới rồi phát triển thành cây. Hàng tháng người dân đến thắp hương tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài ba của bản làng. Tên của ông được đặt cho một con phố lớn ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Mộ đốc Binh Lang Văn Thiết với một cây táo bên cạnh.
Mộ đốc Binh Lang Văn Thiết với một cây táo bên cạnh.

Trong huyền thoại dân gian

Là một người hay kể chuyện xưa, bà Sầm Thị Khiêm trú bản Xăng 2 xã Châu Bính huyện Quỳ Châu là nguồn tư liệu sống về tri thức dân gian của bầy học trò xóm núi yên bình với những cánh đồng lúa nước xanh ngắt này. “Bọn trẻ hay đến hỏi tôi chuyện xưa để làm bài thi, bài làm văn. Chuyện chúng nó hỏi nhiều nhất là về ông Đốc Thiết” - cụ bà tuổi thất thập nói chậm rãi.

Bà Khiêm kể ngày trước người Thái ở Quỳ Châu có truyền tụng “Lai Đốc Thiết” (chuyện Đốc Thiết). Chuyện kể rằng trước khi khởi binh kháng Pháp, Lang Văn Thiết từng cầm quân đánh đuổi giặc, thực chất là là một bộ tộc lân cận đến xâm lấn đất đai. Chúng cậy người đông, thế mạnh bắt lợn gà, bò trâu của dân lành đem giết thịt, cưỡng bức gái nhà lành. Chẳng tội ác gì mà không làm.

Tù trưởng của bộ tộc nọ gọi là Hiền Mương (chủ mường) vùng Quỳ Châu ngày nay và có cuộc đời éo le. Lúc đầu, ông ta lấy vợ ở Mường Quàng là vùng các xã Quang Phong, Cắm Muộn huyện Quế Phong ngày nay. Trên đường đưa dâu về, ngượi vợ bị con trăn ăn thịt. Ông ta buồn rầu trở về sau đó kết hôn với một cô gái “mường chợ” (người Kinh). Cô sinh con 3 tháng liền không ra khỏi buồng. Cha của Hiền Mương muốn nhìn mặt cháu trai mới nghĩ ra một kế. Ông nướng cá rồi cho con mèo tha chạy vào buồng rồi giả vờ chạy theo giành lại con cá nhưng cốt để nhìn mặt cháu. Cô con dâu đổ lỗi cho bố chồng toan giở trò xằng bậy nên bỏ về miền xuôi. Để tránh vợ bắt trộm con, Hiền Mương gửi con lên bản người Xá nhưng rồi bộ tộc này đã sát hại đứa con và thế thân bằng một đứa trẻ trong cộng đồng. Ngày đứa trẻ lớn, Hiền Mương đón về thì bị sét đánh chết. Ông ta ôm hận bỏ lên vùng Cha Văn (Đồng Văn - Quế Phong) ngày nay và lập ra một bộ tộc chuyên cướp bóc quấy phá những bản làng người Thái trong vùng. Sau này, con cháu ông ta xua quân về quê hương cũ cướp bóc. Người Thái thuở đó quen gọi là giặc Hoàn, Thưa, tên 2 người đứng đầu bộ tộc..

“Ngày ấy, đồn của Hoàn, Thưa ở cánh đồng Tổng Tàu thuộc xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu này nay. Lúc đó, ông Lang Văn Thiết giữ chức đốc binh ở trong vùng mới cầm quân đi đánh dẹp. Ông tuyển chọn những người giỏi võ nghệ trong vùng. Nòng cốt của đội quân là 10 người tài giỏi nhất, trong đó một người là quan Thừa Phái phủ Quỳ Châu. Ngoài ra, còn ông Lý Quỳnh và Lý Phu là những chức sắc trong vùng. Sau một thời gian ngày đêm tập luyện, Đốc Thiết chọn ra 3 người trong đêm vượt sông đánh úp đồn giặc.

Nhờ có sự bảo vệ của “chộng khụt” một thứ bùa chú khiến con người trở nên mạnh mẽ, có thể chống lại mọi thứ tên độc, dao kiếm, súng đạn nên đội quân 3 người của Đốc Thiết đã đánh tan đồn giặc khiến cho toán quân cướp bóc phải bỏ đồn rời đi. Sau khi trở về, Đốc Thiết nghĩ rằng, giặc sẽ trở lại báo thù. Ông liền đem theo vợ con trốn sang quê vợ ở tây Thanh Hóa. Lý Quỳnh và vị thừa phái họ Sầm đưa gia đình Đốc Thiết trốn đi. Trong khi đó, tù trưởng của nhóm cướp đến một ngôi đền thiêng xin với thần linh làm cho Đốc Thiết không thể trốn thoát.

Trên đường trốn chạy đến vùng giáp ranh với Thanh Hóa, Đốc Thiết chợt xây xẩm mặt mày và chảy máu cam. Ông biết số mệnh mình đã tận liền giao vợ con cho Lý Quỳnh và dặn: “Tôi biết mình sẽ chết. Anh hãy đưa vợ con tôi về họ ngoại, đừng để dòng giống tuyệt tự. Rồi anh hãy lấy vợ tôi, thay tôi yêu thương, săn sóc”. Đốc Thiết trở về đến Mường Mừn (xã Châu Nga - Quỳ Châu), dừng nghỉ qua đêm trong một căn nhà sàn. Tối đó, trong lúc Đốc Thiết chủ quan, trút bỏ kiếm và bùa phép đi ra ngoài thì bị bắn chết. Lúc đó tướng giặc bắt quân lính cắt lấy đầu Đốc Thiết đem treo trên cây táo.

Qua câu chuyện có thể thấy trong dân gian, có những cách khác nhau giải thích về cái chết của đốc binh Lang Văn Thiết. Tuy nhiên, dù là cách giải thích hay giai thoại nào, ông vẫn là một vị anh hùng trong tâm thức cộng đồng.

HỮU VI
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.