Đám cưới ở Kolkata

Ghi chép của Di Li |

Tôi đã trở lại Kolkata (Ấn Độ) lần thứ ba. Lần này tôi đi cùng đoàn nhà thơ của Hội Nhà văn Việt Nam theo lời mời của ông Geetesh Sharma, chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Việt-Ấn. Ở đó, tôi đã làm quen với Pravamayee, một nhà thơ nữ mà tôi quen gọi là Prava.

1. Prava là một cô gái dễ thương, sống ở một tỉnh lân cận cách Tây Bengal (Bang Tây Bengal có thủ phủ là thành phố Kolkata) tận 500km. Mỗi lần Ủy ban có sự kiện, cô lại bắt tàu lên Kolkata để giúp việc, rồi sau khi chúng tôi rời thành phố cô sẽ đi tàu đêm về quê. Prava sinh năm 1986, mới có một tập thơ tiếng Anh đầu tay nhan đề “Let me go away”. Cô chưa có gia đình, chưa từng lên Thủ đô New Dehli và luôn ước mơ được sang Việt Nam để dạy tiếng Anh - học tiếng Việt. Prava đang chờ cha mẹ sắp xếp hôn nhân.

Ở thế kỷ 21, Ấn Độ vẫn có tới 90% gia đình sắp xếp hôn nhân cho con cái, dù họ có là trí thức sống ở thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu nhận ra con số 55% cặp đôi trên thế giới kết hôn là nhờ sự dàn xếp của cha mẹ thì có lẽ chúng ta không còn ngạc nhiên nhiều nữa. Người Ấn Độ, vì thế, trải qua hàng vạn năm lịch sử vẫn hầu như chưa được biết đến cảm giác chinh phục, tỏ tình, hẹn hò, si mê lúc yêu đương. Tôi kinh ngạc hỏi Prava rằng như thế làm sao mà hạnh phúc được. Người Việt Nam chúng tôi kết hôn thuần túy vì tình yêu mà lấy về rồi còn “cơm không lành canh chẳng ngọt”, giờ sống trọn đời với nhau do sắp xếp, do môn đăng hộ đối thì có bằng đi tù sướng hơn không. Cô Prava ừ vẻ cam chịu, nói rằng theo số liệu điều tra, chỉ có 20% các cặp vợ chồng hạnh phúc mà thôi, còn lại thì là chịu đựng lẫn nhau và cần phải thích nghi vì ai cũng thế cả, ngàn đời như vậy rồi. Song những người phụ nữ Ấn hầu như không bao giờ nghĩ đến chuyện chấm dứt hôn nhân vì họ đã trót sống phụ thuộc vào gia đình nhà chồng sau khi giao hết của hồi môn cho họ. Chính vì vậy, tỉ lệ ly hôn ở Ấn chỉ ở mức 1,1%. Các cuộc hôn nhân dàn xếp thường thông qua một bà mối chuyên nghiệp, người sẽ rất hiểu gia cảnh hai bên để tìm đối tác giúp họ sao cho môn đăng hộ đối, cùng tầng lớp, cùng nền tảng giáo dục và tài sản. Tất nhiên, cô dâu chú rể tương lai cũng được hỏi ý kiến chứ hoàn toàn không có chuyện cưỡng ép.

2. Tôi có một người bạn là nhà thơ Menka Shivdasani. Chị sống ở Mumbai và hơn 20 năm trước đã kết hôn ở tuổi 31, vì tình yêu thay vì hôn nhân dàn xếp. Chồng chị từng là đồng nghiệp văn phòng mà Menka kể rằng “chỉ ngồi cách tôi một ghế”. Anh kém chị hai tuổi, lại là người của cộng đồng Maharashtrian có tiếng là bảo thủ, trong khi Menka thuộc cộng đồng Sindhi (Ấn Độ có khoảng gần 300 cộng đồng, mỗi cộng đồng có văn hóa truyền thống riêng). Tuy nhiên, chị vẫn được gia đình nhà chồng đón nhận nồng nhiệt và ngược lại. Ngày cưới, anh chị chỉ mời nhõn 13 người sau khi chứng kiến sự lãng phí quá nhiều tiền của cho đám cưới của các cặp đôi khác. Tất cả những gì Menka theo đuổi và thực hiện đã phá vỡ toàn bộ luật lệ lúc bấy giờ. Nhưng chị đã hạnh phúc hơn 20 năm bên gia đình nhỏ của mình. Tôi gặp Menka ở Bangkok, trong một festival văn học hồi 2012. Chị cho rằng, hôn nhân dàn xếp cũng có một số điểm tích cực. Nhưng so với những bất lợi mà nó mang lại thì chẳng thấm vào đâu, đặc biệt là khi sự thiệt thòi luôn rơi vào người phụ nữ. Nhà trai luôn có xu hướng tìm kiếm một cô con dâu phải xinh đẹp, biết nấu ăn ngon, biết nghe lời và ngoan ngoãn, lại cần có nhiều của hồi môn nữa. Nhưng Menka kết luận rằng: “Tôi cũng không muốn đưa ra những ý kiến chủ quan trong khi tôi là người hành động theo số ít. Dẫu sao tôi cũng từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân dàn xếp rất hạnh phúc và cả những đám cưới vì tình nhưng bất hạnh vì các mâu thuẫn liên quan đến của hồi môn”.

Cô dâu và người thân trong gia đình. Ảnh: Di Li
Cô dâu và người thân trong gia đình. Ảnh: Di Li

Nhưng vẫn có rất nhiều phụ nữ Ấn ủng hộ hôn nhân dàn xếp. Prava nói rằng: “Cha mẹ tôi nói cũng có lý. Nếu bạn yêu nhau rồi mới cưới nhau thì đôi khi đám cưới là nấm mồ chôn vùi hạnh phúc, vì lúc ấy họ quá hiểu nhau rồi nên sẽ thấy nhàm chán. Nhưng hôn nhân dàn xếp có cái thú vị là sau khi cưới ta mới bắt đầu tìm hiểu nhau, ta sẽ thấy đối phương tươi mới, bí ẩn và sự tò mò bản năng sẽ thắp lửa cho tình yêu”. Trong một bữa cơm có món cà ri khoai do Prava đích thân nấu để mời tôi, cô kể về đám cưới của một cô bạn thân. “Đêm tân hôn, bạn tôi phải trốn chú rể vì quá sợ hãi. Cô ấy đã gọi điện cho tôi kể: Prava, tớ có cảm giác giống như một vụ... hiếp dâm vậy. Tớ chưa sẵn sàng”. Với hai người chưa từng yêu và chưa thân thiết, hẳn là sẽ kỳ lạ lắm trong đêm tân hôn. Tôi có thể hình dung ra được.

3. Prava là một nhà thơ, một trí thức, một phụ nữ cấp tiến và lãng mạn, nhưng cô vẫn tuân theo tập tục đã được gần 1,2 tỉ người Ấn đồng thuận. Sau này, tôi cũng nghe Prava kể rằng, cô được cha mẹ mai mối cho một người đàn ông làm nghề kế toán và chỉ sau một tuần giới thiệu đã rục rịch cưới. Tuy nhiên, tôi chưa kịp mừng cho cô thì lần sang Ấn sau đó, khi tôi tranh thủ hỏi chuyện về cuộc sống sau hôn nhân thì Prava buồn bã bảo đã cưới đâu. Hóa ra, đám ấy không được như cô tưởng, bố mẹ chồng tương lai chê cô đen, chê cô xấu, rồi đề xuất là có bao nhiêu lương cô nên nộp hết cho chồng. Anh chồng sắp cưới thì dù biết cô đang ốm cũng không một lời hỏi thăm. “Nói chung là rất tệ. Nếu chỉ được lựa chọn một cuộc đời thì tôi thà sống độc thân còn hơn là kết hôn mà không có hạnh phúc đúng không” - nữ nhà thơ nói với tôi khi mà sau nhiều năm qua lại, chúng tôi đã có một tình bạn khá sâu sắc.

Tối hôm sau, tôi cũng được đi dự một tiệc cưới mà mọi người giới thiệu là cặp đôi kết hôn vì tình yêu. Chú rể - một ca sĩ nổi tiếng của cộng đồng nói tiếng Bengal, là một người họ hàng của ông Sharma. Đám cưới được tổ chức từ chiều đến đêm khuya. 6 giờ tối, chúng tôi khởi hành thì gần 8 giờ mới tới nơi. Có nhẽ phải đi mất 70km, dù khu vực này vẫn thuộc về Thành phố Kolkata. Tôi chuẩn bị cho cô dâu chú rể một món quà nho nhỏ vì Aadi và Habib nói rằng, người Ấn Độ không nhận “phong bì” cho đám cưới. Dù sự kiện hoàn toàn bất ngờ và bị động nhưng tôi cũng soạn ra được một chiếc cà vạt, một thỏi son môi và chiếc khăn lụa. Mỗi lần sang nước bạn, tôi thường chuẩn bị rất nhiều quà và thói quen này quả là may mắn.

Xe dừng lại trước cửa một nhà hàng tiệc cưới chăng đèn sặc sỡ. Mặc dù vậy, bên trong nó giống một nhà dân hơn, vì không hề có những tiền sảnh rộng lớn. Sân trước kê dãy bàn trải khăn trắng, trên bày các món bánh kẹo, trà gia vị, kem lạnh và cả... trầu không. Song người ta không têm miếng trầu vào bên trong lá trầu không mà sẽ nhồi rất nhiều loại gia vị xanh đỏ khác nhau để lúc nhai sẽ thấy vừa thơm thơm ngòn ngọt vị kẹo, vừa cay cay nồng nồng vị trầu. Trong nhà chật ních các cô gái và bà mẹ mặc sari lộng lẫy. Cô dâu là rực rỡ nhất với lấp lánh ngũ kim từ đầu đến chân. Cô thấp bé, tròn trịa và có khuôn mặt Ấn điển hình như các tấm poster in hình thần linh Ấn Độ hay bán trên vỉa hè phố Bà Triệu hồi cuối thập niên 80. Cô gái ngồi trên một chiếc ghế diêm dúa trong gian phòng nhỏ và bận rộn với việc chụp ảnh cùng khách khứa. Còn chú rể ngồi ở một phòng khác, đang làm lễ với thầy tu cùng lỉnh kỉnh đồ lễ xung quanh.

4. Ông Sharma rõ là khách quý của đám cưới, vì thế chúng tôi cũng được đón tiếp như khách VIP, được mời ngồi trên chiếc ghế salon quý hóa ở góc phòng, trong khi tất cả đều phải đứng. Một cô gái mặc sari ánh vàng trông ảo ảnh như diễn viên Bollywood mời chúng tôi một khay trà Masala đựng trong tách đất nung, món trà mà tôi luôn nghiện như điếu đổ mỗi lần đến Kolkata. Tôi xin thêm hai tách thơm lừng nữa trước khi chứng kiến cảnh “đón dâu”. Những người anh em trai của cô dâu sẽ khiêng cô đi vòng tròn quanh chú rể, trong khi cô đưa hai chiếc lá trầu lên che mặt. Họ cũng sẽ phủ một mảnh vải trắng lên đầu hai người, sau đó cô dâu tiếp tục xoay tròn quanh chú rể giữa tiếng reo hò. Cô dâu khá nặng, vì thế mấy cậu em trai vã mồ hôi. Bạn bè xúm xít xung quanh để quay clip, còn chú rể đứng giữa thẹn thùng. Đó là một phong tục cưới hỏi của người Bengal, còn các tộc khác lại có thể thức riêng, dù chung sống trong cùng thành phố.

Sang màn tiếp theo, chúng tôi được mời lên tầng trên ăn cỗ cưới. Phòng ăn giống một căng tin hơn là sảnh cưới, và nhà bếp ở ngay liền kề. Tôi có thể nhìn thấy người ta thái củ tươi để làm món salad Ấn Độ, gồm cà rốt sống, dưa chuột, hành tây, tất cả rụng lả tả xuống đất. Họ lại nhặt lên bỏ vào rổ. Khách rất đông và chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi một chỗ ngồi. Mỗi người được phát một cái đĩa, và những người phục vụ sẽ đi vòng quanh để xúc đồ ăn vào đĩa cho khách, coi như ăn cơm đĩa. Có khoảng sáu món nóng và nguội. Tất cả đều ăn bốc, và sau một hồi nỗ lực, mãi người ta mới tìm được cho chúng tôi mấy chiếc thìa nhựa loại dùng để ăn sữa chua thay vì dùng tay. Một số người chưa có ghế ngồi thì đứng tạm vào góc phòng cầm đĩa bốc cơm trộn cà ri cho nhanh.

Các nhà thơ đã quá mệt sau một ngày dài hội thảo và họp hành, lại vượt quãng đường trường đằng đẵng đi dự đám cưới, giờ chỉ mong được về nhà ngủ. Nhưng tôi động viên họ: Đời mình biết đến bao giờ mới được dự đám cưới Ấn Độ thêm lần nữa. Mà ví thử nếu có cơ hội, thì liệu đám cưới ấy có phải kết hôn vì tình hay không. Nhìn ánh mắt cô dâu chú rể rực sáng đến thế kia cơ mà.

Ghi chép của Di Li
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.