Gặp gỡ A Lưới

Bài và ảnh của Nguyễn Ngọc Phú |

Chúng tôi về thăm A Lưới - huyện vùng cao của Thừa Thiên-Huế - cái tên đã nghe quen trong những năm chống Mỹ với lời bài hát: “Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ - Đi đánh giặc vượt núi băng rừng - Dù gian lao em không nản chí”...

Tôi còn nghe  kể ở A Lưới có một gia đình được nhà nước phong tặng ba Anh hùng Lực lượng vũ trang. Đó là: Hồ Vai cháu của ông là nữ anh hùng Kan Lịch và em trai Kan Lịch là A Nun làm công tác vận tải thồ hàng cho quân giải phóng, gùi trên lưng hơn tạ hàng đi không biết mỏi vượt bao đường rừng đường suối.

1. Lên đây tôi mới biết vì sao dân A Lưới bao gồm các dân tộc: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ  Tu, Pa Hi và Vân Kiều lại hay lấy họ của mình là họ Hồ. Vì gia phả của họ phần lớn để trong gùi và thời chiến phải chạy đi mất mát lưu lạc nhiều, vì thế  nhớ được tên còn họ thì mất. Sau đó, người A Lưới lấy họ Bác làm họ do những ngày chiến tranh gian khổ hạt muối rất quý của Bác Hồ, của miền Bắc đã vào được đến đây cho da người A Lưới đỡ xanh bủng, hồng cầu đỏ hơn, nhiệt huyết cách mạng sục sôi hơn. Mỗi lần đặt họ Hồ cho một người là cả một thủ tục thắp hương trước ảnh Bác Hồ như một nghi lễ thiêng chứng nhận. Quả thật, có lên A Lưới mới biết được năm xưa nơi đây là một chiến trường ác liệt. Ở đây có đồi A Bia còn gọi là đồi “Thịt băm” có độ cao 937m so với mặt nước biển, lính Mỹ ám ảnh và gọi đây là “Hamburger” của chiến trường miền Nam Việt Nam. Không ngờ ở A Lưới vẫn còn lưu giữ những đường hầm địa đạo nối với những hang lớn, nơi đây đã đặt đài phát thanh giải phóng...

Đường lên A Lưới bây giờ đã  khác nhiều. Đoạn đèo A Co ngoằn nghèo hiểm trở (còn được gọi là đèo “Mạ ơi”) giờ đây đã được hạ thấp bạt núi và thêm nhiều cây cầu cạn băng qua vực sâu. Đường trải nhựa phẳng lỳ rộng rãi uốn lượn quanh những sườn núi xanh, ngập ngàn cây tươi tốt. A Lưới tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây chính là thượng nguồn của 5 con sông lớn. Chao ôi, 5 con sông xòe ra như năm ngón tay gợi mở mà thao thiết mà cuồn cuộn chảy. Trong đó, có hai sông chạy sang Lào là A Sáp và A Lin. Còn ba con sông chạy sang Việt Nam là ĐăkRông, sông Bồ và sông Hương. Không biết cái nguồn mạch nước của bia Hu-Đa Huế có chứa chan thấm đậm tình người miền Trung, của thượng nguồn A Lưới chạy thành sông Hương không mà tôi lên đến đây cảm thấy người chênh chao như ngấm hơi bia vậy.

Nhưng lễ hội ở đây có gì đó gắn với tâm linh với mùa màng, thiên nhiên. Ví như, mùa lễ hội A Za hay còn gọi là  tết mừng cơm mới - lễ tri ân cây lúa. Người Tà Ôi rất quý trồng cây lúa thờ Yang Xro và có hẳn một bà mẹ lúa gọi là Ka Xro. Để được phong là Ka Xro, người phụ nữ của làng phải giàu kinh nghiệm trong sản xuất. Mẹ lúa được tôn thờ kính trọng là người bảo chứng cho vụ mùa của đồng bào, Ka Xro đầy tính linh thiêng. Từ khi vào vụ gieo giống cho đến khi giặt hái phải có sự đồng ý của mẹ lúa và người Tà Ôi bày biện con gà, nắm xôi để cúng mẹ Ka Xro với lời khấn nguyện linh thiêng: "Yang Xro hãy về đây - Có lúa! Sân nhà chúng tôi sẽ hát vài lợn, gà”. Khi mẹ lúa đồng ý làng mới được gặt và bao giờ Ka Xro cũng làm nghi thức tuốt vài bông lúa trên lưng rẫy đem về kho lương thực. Người Tà Ôi có quan niệm chỉ phụ nữ mới vào kho lương thực đem về xay giã còn đàn ông tuyệt đối không. "Hằng số mẹ" trong tín ngưỡng nông nghiệp đã đưa người phụ nữ vào những vai trò nhất định và chính họ đã tạo ra sự cân bằng, nguồn nuôi dưỡng những thân phận Tà Ôi quen cư ngụ giữa đại ngàn Trường Sơn nhiều trắc trở.

Ngày tết, hầu như  nhà nào cũng cố gắng săn được một con chuột rừng để dâng lên các Giàng. Từ chuột rừng, người Pa Cô làm món A Dút hay còn gọi là A Lạp là món trộn thịt chuột, nếp, sắn và đọt chuối với một vài gia vị khác. Đây là món đặc sản hỗn hợp vì hình như trong tâm thức của người Pa Cô con chuột rừng rất tinh ranh nhanh nhẹn, dù rất bé nhưng luồn lách hết các khe hẻm núi rừng.

Phụ nữ A Lưới chụp ảnh chung cùng du khách.
Phụ nữ A Lưới chụp ảnh chung cùng du khách.

2. Nhân nói chuyện ẩm thực, hôm liên hoan ở A Lưới, chúng tôi được uống một loại rượu khá đặc biệt của đồng bào nơi đây đó là rượu Đoác. Cây Đoác là cây họ dừa mọc khá nhiều ở các ngọn núi cao ở đây giống như cây thốt nốt ở Campuchia. Trong các lễ hội của người A Lưới, không thể thiếu rượu cần và rượu Đoác. Rượu Đoác chỉ ở đây mới có. Thật lạ kỳ tôi được chứng kiến ông Quỳnh Hy (ở thôn Ta Roi, xã A Ngo) lấy rượu Đoác ở cái túi chứa đầy trong thân cây Đoác có màu nước như nước vo gạo, bọt sủi. Ông Quỳnh Hy kể: Tương truyền vào thời xa xưa, các dân tộc ở A Lưới vào rừng làm rẫy, lúc nắng nóng ngồi nghỉ dưới tán cây Đoác thấy nước từ cây chảy ra. Họ uống thử thì có mùi vị như rượu, từ đó rủ nhau lấy về uống. Dần dần cái rượu trời cho ấy được mọi người ca tụng và lan tỏa các vùng. Thường, mỗi cây Đoác trồng ít nhất 3 - 5 năm mới cho rượu uống được. Việc lấy rượu ở cây Đoác mang về thật đơn giản: Chỉ cần lấy dao rạch một chỗ trên cái túi cho nước chảy theo ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai, mỗi cây lấy được từ 20 - 25 lít rượu. Đây là loại rượu lấy tự nhiên không pha hóa chất uống không đau đầu. Và ông đã cất công vào rừng tìm thêm các loại thảo dược vị thuốc ngâm với rượu Đoác như đỗ trọng, nhục thung dung, dâm dương hoắc, bồ đào nhục, sa tiền tử... Rượu ngâm với thảo mộc được tuân thủ nghiêm ngặt công thức pha chế. Sau nhiều lần thử nghiệm thương hiệu rượu "nhất dạ ngũ giao" bổ thận tráng dương của ông được nhiều người miền xuôi lặn lội lên đây để đặt mua thưởng thức.

Đến A Lưới, tôi bắt gặp một vẻ đẹp rất riêng đó là những tấm vải thổ cẩm với các hoa văn đường nét hài hòa, tinh xảo với lối phối màu mang lại một nhịp điệu sắc thái riêng. Nghề Dệt Zèng có từ lâu đời. Khi cô gái lớn lên đều phải biết dệt tấm Zèng để đến tuổi lấy chồng tặng người trong gia đình nhà chồng. Nguyên liệu để dệt là những sợi bông khai thác từ thiên nhiên nhuộm với nhiều sắc màu lấy từ vỏ cây hay củ nâu. Các loại hoa văn mô phỏng những con suối, dốc cao, cây cỏ chim rừng, đồ vật, những ngôi sao trên trời... có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa và tâm linh của người A Lưới khát khao sự giao hòa trời - đất và con người. Đỉnh cao của nghệ thuật dệt Zèng ngoài những sáng tạo hoa văn độc đáo đủ các sắc màu là kỹ năng chèn cườm kết hợp với hệ sắc màu trên nền vải. Người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào các sản phẩm, đây là công đoạn phức tạp đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao. Đối với người A Lưới những sản phẩm từ  Zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày nên khi chủ nhân chết thì được chôn theo người mất.

Tối hôm đó có chương trình giao lưu văn nghệ giữa A Lưới với đoàn  chúng tôi nên trên bãi cỏ rộng đã sắp đặt những chum rượu cần, những mâm cơm gồm các sản phẩm ẩm thực của người dân A Lưới tự tay làm ra đãi khách. Chiều xuống dần, núi rừng A Lưới bạt ngàn xanh sắp thiêm thiếp vào đêm, tăng thêm vẻ bí ẩn hoang sơ và gợi mở. Tôi bỗng nghe tiếng reo hò vui vẻ làm náo động rộn ràng tươi trẻ của sân nhà văn hóa. Thì ra một giàn hoa khôi người đẹp của núi rừng A Lưới bất ngờ xuất hiện. Tất cả họ đều đèo nhau bằng xe máy từ các ngã đường các bản làng về đây và nhanh nhẹn trút bỏ bộ quần áo chống nắng bên ngoài. Trời ơi! Tôi không thể ngờ được trước mắt tôi là những phụ nữ hồn nhiên với những bộ váy áo muôn màu hoa văn được cắt khéo léo từ những tấm thổ cẩm dệt Zèng bó gọn thon thả những tấm lưng eo thắt. Tất cả đều vai trần  tóc búi gọn và cổ đeo những vòng  cườm xinh xắn. Đó là những diễn viên múa nghiệp dư ở các đội văn nghệ về đây tụ hội.

Đêm giao lưu lửa trại chưa bừng cháy nhưng vũ điệu A Lưới đã bắt đầu hồ  hởi, chân tình, mộc mạc, đắm say giữa ngây ngất núi rừng.

Bài và ảnh của Nguyễn Ngọc Phú
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.