Nhà thơ Trần Quang Quý:

“Nếu không có sự trả giá, không bao giờ thành được

Anh Thư |

Đến thời điểm, có lẽ nhà thơ Trần Quang Quý là người lập kỷ lục ba lần nhận giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho các tập thơ “Giấc mơ hình chiếc thớt” (2004), “Màu tự do của đất” (2012) và “Nguồn” (2019). Ông tự nhận mình không thể “cai” thơ. Vừa trải qua cuộc đại phẫu, sức khỏe còn yếu, nhưng ông đã hào hứng viết “Giai điệu dắt tôi đi, vượt qua thế giới đầy trắc trở, dịch bệnh và nguy biến ngoài kia/ Dắt tôi bay qua những huyệt mộ tâm hồn/ Trên đôi cánh có tên giai điệu...”.

Phóng viên (PV): Xin chúc mừng nhà thơ Trần Quang Quý với tập thơ “Nguồn” - giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm vừa qua.“Nguồn” có một vị trí như thế nào trong những chặng đường thơ của ông?

- Nhà thơ Trần Quang Quý (TQQ): Đó chính là sự trở về nguồn - dòng chảy văn hóa của vùng đất quê hương cũng như cố hương của chúng tôi. Con người ta không thể tách rời nguồn cội được - nơi nuôi dưỡng anh, cũng là động lực để cho anh phát triển, đi ra với không gian rộng lớn hơn của đất nước cũng như của thế giới. Anh không có điểm tựa ấy thì anh không là gì hết. Cũng như trong gia đình, anh phải có điểm tựa của gia đình. Vì thế, trong lời đề từ tập thơ, tôi viết thế này: "Nguồn cội - dòng chảy văn hóa của sông Đà núi Tản huyền ảo uy linh luôn là nơi chốn đi về trong tâm thức tôi". Tôi nghĩ những lời đó đã đủ nói hết cái tinh thần của tôi trong khi viết tập thơ này, cũng như con đường thơ tôi tiếp tục đi.

PV: Ra đi và trở về là cả một hành trình mà chắc chắn rằng đến thời điểm này ông vô cùng thấm thía và bật ra “Nguồn”?

- TQQ:  Vâng, đấy là một sự thật. Khi bắt đầu đi, tôi luôn luôn nghĩ về nguồn. Sau tất cả những bươn chải trong cuộc sống, ý thức đó càng rõ rệt hơn. Nguồn chính là nơi mình và những người thân yêu sinh trưởng, được nuôi dưỡng bởi nguồn sữa của mẹ cha, của quê hương đất trời. Vùng sông Đà núi Tản quê tôi có những đặc trưng riêng biệt. Nhiều người lần đầu tiên đến đây bảo với tôi “Sao quê ông đẹp thế này”!

Đi dọc vùng hạ lưu sông Đà, bên kia là núi Ba Vì in bóng vằng vặc xuống dòng nước, rồi những dãy núi ở vùng núi K9 và vùng thượng huyện Thanh Thủy nữa. Huyện Thanh Thủy của Phú Thọ nằm dọc hạ lưu sông Đà, tiếp theo là huyện Thanh Sơn và một số xã của huyện Anh Sơn rồi mới lên đến bờ tả Ba Vì. Vùng ấy có rất nhiều di tích, đặc biệt là di tích đền Lăng Xương. Theo truyền thuyết, cha Tản Viên Sơn ở làng Lăng Xương (xưa gọi là động Lăng Xương) xã Trung Nghĩa - huyện Thanh Thủy - Phú Thọ.  Đấy là nơi thờ tự hầu như cả gia đình, đặc biệt là Mẫu - người sinh ra Tản Viên Sơn. Tên ông trong truyền thuyết là Nguyễn Tuấn, sau này được một người phụ nữ họ Ma ở Ba Vì phía bên kia sông Đà nhận làm con nuôi. Ông có công lớn giúp nhân dân trong lao động sản xuất, chống lại thiên tai địch họa, giữ bình an cho mọi nhà. Truyền thuyết “Sơn Tinh Thủy Tinh” đã nói rõ điều này. Ông được phong thánh, một trong “Tứ bất tử” của nước ta là như vậy.

PV: Núi Tản sông Đà, một vùng quê không chỉ mang vẻ đẹp khoáng đạt của thiên nhiên mà còn đầy ắp chất huyền thoại truyền thuyết! Tâm điểm của sự trở về trong ông hẳn là người mẹ. Tôi đọc thấy ông viết nhiều về mẹ với tất cả rung động sâu xa và lần nào cũng như mới mẻ. 

- TQQ:  Mẹ còn là biểu tượng của vùng đất. Nguồn mà! Sinh thành ra mình, tất nhiên rồi, có mẹ có cha, nhưng tập trung nhất vẫn là vai trò người mẹ. Và thực tế ngoài đời, mẹ cũng là người chăm sóc nuôi dưỡng tôi, cùng bao lời ru bao câu chuyện cổ tích bà kể cho tôi trong những năm tháng gian khổ. Ở những vùng quê ấy, người nông dân rất nghèo, làm nông nghiệp thuần túy. Mẹ tôi vất vả lắm, nên bao giờ tôi cũng có thơ về mẹ. Ví dụ bài “Hát gọi hạt giống” - giải thưởng báo Văn nghệ năm 1990 - tôi viết về mẹ “cả đời đi mãi mà không ngoài ruộng/ cả đời ru mãi vẫn trong cánh cò”. Mẹ đã cho tôi một nguồn lực sống, một dòng chảy văn hóa. Dòng sữa mẹ nuôi dưỡng mình, cụ thể, để lớn lên, cho tôi tâm hồn, cho tôi nhân cách, giúp tôi nhận thức ý nghĩa sống của cuộc đời này. Tôi viết về mẹ cũng chính là viết về nguồn cội của mình.

PV: Một số ý kiến cho rằng các nhà thơ bây giờ không chuyên tâm vào nghề thơ, không thể kiếm sống bằng thơ; vì thế, khi phải lăn lộn với những công việc khác thì thơ của họ khó có được sự tổng thể, tư duy thơ thường manh mún... Nhà thơ Trần Quang Quý có phản biện như thế nào với ý kiến này?

- TQQ:  Xã hội có nhiều biến động, nhiều thay đổi như chúng ta đã biết. Nhiều loại hình nghệ thuật cũng như công nghệ giải trí xen vào đời sống. Nhưng tôi nghĩ rằng người thật sự đam mê tâm huyết với văn chương thì không bao giờ buông bỏ được. Thế hệ chúng tôi cũng đâu có sống bằng nhuận bút. Nhưng dường như số phận đã đặt mình vào cái nghiệp thơ rồi thì phải chung thủy với nó. Và chúng ta biết rằng làm cái gì cũng thế thôi, đặc biệt là làm nghệ thuật. Nếu không có sự dấn thân, nếu không có sự trả giá, nếu không có yêu mến nhiệt huyết thì sẽ không bao giờ “thành” được cái gì. Và để “thành” được thì phải có một hệ thống tư duy, đặc biệt là hướng đi, thi pháp, hệ thống ngôn ngữ, thủ pháp của thơ mình, từ đó tạo thành giọng điệu riêng. Phải có sự chuẩn bị rất dài cho con đường đi của mình, thậm chí phải trả giá. Người ta vẫn nói là phải dấn thân. Làm nghệ thuật phải thế. Anh không xác định con đường đi của mình thì anh làm nghề khác, kiếm tiền, xây dựng cuộc sống khác. Ví dụ, các bạn học cùng tôi, họ chọn làm kinh tế, trở nên giàu có. Còn tôi thì chọn thơ. Nhiều cái như là số phận ràng buộc mình, nhiều cái như thể trời cho.

PV: Nhìn lại các tập thơ đã xuất bản, nhà thơ Trần Quang Quý nhận thấy một sự xâu chuỗi và tiếp nối như thế nào?

- TQQ:  Các tập thơ của tôi luôn gắn với một chủ đề chứ không phải là những tập thơ “dưa góp”. Tôi luôn có ý thức về điều đó. Tập đầu tay “Viết tặng em trong ngôi nhà chật”. Tập sau là “Mắt thẳm” - một cái nhìn sâu sắc về cuộc sống về con người. Đặc biệt đến các tập thơ sau này, chủ đề được mở rộng hơn với nhiều góc độ soi chiếu. “Giấc mơ hình chiếc thớt” là cái nhìn thân phận của những người yếm thế, những người ngoài lề, người thua thiệt, giấc mơ luôn bị ám ảnh bóng hình chiếc thớt. Con cá đặt trên thớt, chúng ta biết số phận của chúng như thế nào rồi! Sau “Giấc mơ hình chiếc thớt” là “Siêu thị mặt” - cái nhìn về nhân bản con người, mặt diện con người, cái nhìn về sự giả dối, sự trung thực. Tôi quan sát, hình dung con người đi trên đường phố hay trong một cửa hàng, một khu chung cư. Đấy giống như siêu thị xã hội mặt, trong đó có gương mặt tốt, có gương mặt giả dối, có gương mặt ngụy tạo, gương mặt xu nịnh...

Sau “Siêu thị mặt” là “Màu tự do của đất”. Ở tập này, tôi quan tâm nhiều hơn đến đời sống người nông dân. Số phận đã chôn chân họ trong ngôi làng khép kín, trên cánh đồng, suốt đời vì mùa vụ nắng mưa gió bão nhưng luôn luôn túng thiếu, có bay đến mấy thì vẫn trong cánh cò, có đi đến mấy vẫn không thoát ra ngoài  đồng ruộng. Và đấy chính là khát vọng đòi được tự do được giải phóng trên đất đai của người nông dân.

Tiếp theo là bộ đôi tác phẩm cùng ra đời vào tháng 9.2016 - “Ga sáng” và “Nam kau”. Vì sao tôi chọn “Ga sáng”? Ga sáng là cái ga buổi sáng, con người bắt đầu lập một hành trình để vươn ra thế giới hội nhập. Anh phải có hành trang chuẩn bị, phải xây dựng cho mình những vốn liếng về tri thức, văn hóa, những trải nghiệm, thậm chí cả sự trả giá. Còn tập “Nam kau”, ấy là tôi “đẻ” ra hình thức thơ năm câu, viết cách điệu như thế cho lạ cho ấn tượng, và cũng dễ nếu chuyển sang tiếng Anh. Tôi cũng không ngờ thể thơ năm câu này được rất nhiều người hưởng ứng, trên không gian mạng cũng như ở ngoài đời. Câu lạc bộ Thơ nam kau cũng đang chuẩn bị được thành lập.

Phóng viên: Vâng xin cảm ơn nhà thơ Trần Quang Quý về cuộc trò chuyện này!

Anh Thư
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.