Những chuyến biển thêm lận đận vì COVID-19

Bài và ảnh của HỮU NHÂN |

Ánh sáng rực rỡ giữa biển đêm soi rõ đàn cá lúc nhúc trong vòng vây lưới dần thu hẹp. Ngư dân dùng chiếc vợt khá lớn múc cá đổ tràn ra sàn tàu. Những gương mặt sạm đen bởi nắng gió rạng ngời niềm vui. Nhưng khi vào bờ họ thở dài ngao ngán vì giá cá rớt thê thảm. Nhiều người chép miệng tiếc rẻ: "Chỉ tại dịch bệnh COVID-19...". Dẫu vậy, sau những chuyến vào bờ họ lại ra khơi như bao ngày vẫn thế.

"Vui trước, buồn sau"

Đêm trên biển Hoàng Sa lộng gió. Tàu cá QNg-98888TS của ngư dân Ngô Thanh Phong, ở phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) lắc lư như đang đùa giỡn trên sóng nước. 11 thuyền viên trên tàu gắng sức kéo lưới, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Vòng vây lưới rút dần thu hẹp khiến đàn cá chừng 3 tấn lúc nhúc tìm cách thoát ra ngoài. Cá thóc đông đặc, đỏ chói dưới ánh đèn điện rực rỡ giữa biển đêm bao la. Cá chim, cá trác lấp lánh ánh bạc điểm tô sắc màu trên bức tranh đỏ rực trong làn nước thẳm xanh. Ngư dân gắng sức kéo lưới, gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui. Những đôi tay rắn chắc rung lưới liên hồi để cá mắc vào cước rơi ngược xuống vòng vây đang thu hẹp. Họ dùng vợt lưới khá lớn xúc cá đổ tràn ra sàn tàu. Cá thóc trừng mắt, giương vây như đang tức giận vì bị kéo lên khỏi mặt nước. Cá trác, cá chim... giãy đành đạch như muốn tìm đường trốn chạy để tìm về biển khơi. Mực ngoe nguẩy xúc tu, khoe làn da lấp lánh dưới ánh đèn vàng. Những ngư dân dạn dày sóng gió nhanh chóng phân loại rồi cho vào hầm ướp đá để hải sản còn tươi khi vào bờ.

Sau 3 đêm đánh bắt, anh Phong cùng bạn chài thu được 11 tấn hải sản. Trong đó, có 10 tấn cá thóc, còn lại là cá cờ, cá chim, cá trác và mực. Tàu quay mũi hướng vào bờ, bỏ mặc những con sóng đang vờn đuổi phía sau. Nét mặt bạn chài tràn đầy vẻ hân hoan với ước tính thu được 700 triệu đồng, khoản tiền khá lớn đối với những phận đời lênh đênh trên sóng nước. Khi vào âu thuyền Thọ Quang, các anh cảm nhận điều khác lạ so với thường ngày. Bến cá vắng lặng thay cho cảnh nhộn nhịp thuở trước. Cả chủ tàu lẫn bạn chài ngã ngửa khi tư thương thông báo thu mua mỗi ký cá thóc chỉ 10.000 đồng. Các anh không tin vào tai mình khi giá bán những chuyến trước đó dao động 60.000- 90.000 đồng/kg. Tàu trở ra biển rồi hướng về phía nam cập cảng cá Mỹ Á (phường Phổ Quang) với giá bán 12.000 đồng/kg. Tiếng thở dài não lòng thay cho nụ cười rạng rỡ giữa biển khơi. "Nhiều tư thương nói do dịch bệnh COVID-19 nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đại diện các công ty thu mua hải sản cũng nói vậy nên chúng tôi đành bán giá thấp bởi bán cao thì không ai mua. Coi như anh em tôi mất 550 triệu đồng vì giá rớt thê thảm so với trước..." - anh Phong thở dài tiếc rẻ. "Có lúc, cá thóc nhập sang Trung Quốc với giá bán mỗi ký 100.000-110.000 đồng. Giờ ế ẩm nên đành phải bán theo giá cá vụn dành cho việc làm thức ăn nuôi lợn nên bèo bọt đến thế. Công sức của mười mấy anh em coi như đổ xuống biển..." - thuyền viên Trần Ngọc Hoành than thở.

Ngư dân Phổ Quang trên biển.
Ngư dân Phổ Quang trên biển.

Sau 6 đêm hành nghề trên biển Hoàng Sa, tàu cá QNg-98916TS của anh Nguyễn Chí Linh thu gần 6 tấn cá thóc, cá ngừ và cá nục. Với giá như những chuyến trước đó, anh và bạn chài dự tính thu được hơn 200 triệu đồng. Nghe tin hải sản rớt giá, các anh nhìn nhau thở dài ngao ngán. Khi vào bến cá Mỹ Á, nhiều tiểu thương địa phương mua cá ngừ và cá nục với giá cao hơn 2 lần đầu nậu nên anh thu được gần 130 triệu đồng. "May là tôi bán trực tiếp cho bà con ở đây chứ đầu nậu thu mua chỉ khoảng 70-80 triệu đồng, đủ phí tổn chuyến biển mà thôi! Trong lúc dịch bệnh không có đầu nậu ở nơi khác đến mua nên giá thấp cũng đành phải bán..." - anh giãi bày.

Lão ngư Võ Xuân Cẩm - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang - thẫn thờ nhìn tàu thuyền ra vào bến cá Mỹ Á. Ông cho biết: Từ đầu năm đến nay, ngư dân hành nghề khơi xa trúng đậm nhưng thu nhập chẳng đáng kể vì giá bán quá thấp. "Bà con ở đây bị thiệt hại vì dịch bệnh COVID-19. Ngư dân mong sớm hết dịch bệnh để việc làm ăn được thuận lợi..." - ông tâm sự.

Vượt qua "lưới" COVID-19

"Bóng ma" dịch bệnh COVID-19 gây xáo trộn cuộc sống thường nhật của bao người từ thị thành đến làng quê. Những tuyến đường thảm nhựa, bê tông hóa phẳng lì bên biển Mỹ Á vắng lặng vì người dân hạn chế ra khỏi nhà theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và hầu hết đàn ông ra khơi buông lưới. "Dù giá bán thấp, chúng tôi cũng ra biển. Hết chuyến này còn chuyến khác. Hy vọng giá cá sẽ lên. Không ra biển mà ngồi nhà buồn lắm! Biết lấy gì ăn?" - anh Phong bộc bạch. "Gần bờ ngày càng ít cá nên ngư dân mua lưới Thái Lan vươn ra ngư trường xa hành nghề lưới cản. Loại lưới này bền chắc, đánh bắt các loại cá lớn hiệu quả lắm nên nhiều người ưa chuộng, dù giá cao hơn so với lưới nội địa. Bắt được nhiều cá nhưng giá có giảm thì họ vẫn ra khơi..." - ông Cẩm cho hay.

Mỗi bạn chài ở Phổ Quang là “cổ đông” trên con tàu cùng họ lênh đênh trên sóng nước. Ngư dân khá giả đầu tư đóng mới tàu rồi vận động bạn chài góp vốn mua lưới cùng nhau mưu sinh. Nhiều chủ tàu cho bạn chài mượn vốn để hùn mua lưới lên đến hàng chục triệu đồng. Mỗi chuyến về bờ, sau khi trừ chi phí, họ dành 30% tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, phần còn lại chia đều cho chủ tàu và thuyền viên. Sau nhiều năm nhọc nhằn trên sóng nước, anh Phong cùng em trai chung vốn 4 tỉ đồng đóng mới tàu cá công suất 864CV để vươn ra khơi xa. Bạn chài chung vốn cùng anh mua lưới và lắp đèn điện chiếu sáng trị giá 1 tỉ đồng. Do “lời cùng ăn, lỗ cùng chịu” nên các anh luôn gắng sức đánh bắt những chuyến biển tôm, cá đầy khoang. “Vì góp chung vốn nên bạn chài gắn bó với tôi chứ không bỏ qua đi bạn cho tàu khác. Cứ đến khi xuất bến, mọi người tụ tập đông đủ để vươn khơi. Anh em luôn sẻ chia mọi công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau trong những lúc đau ốm trên biển” - anh Phong nói. Anh Trần Ngọc Hoành góp chuyện: "Lắm lúc, chúng tôi không đủ tiền thì chủ tàu cho mượn để góp chung. Nhiều lúc, chủ tàu không có sẵn tiền cũng chạy vạy vay mượn để anh em thuyền viên có phần vốn. Mọi người đều có phần hùn nên ai cũng nhiệt tình vì công việc, đánh bắt cũng được nhiều...".

Khi máy tầm ngư phát hiện đàn cá tung tăng bơi lội, con tàu dừng lại, buông lưới quây tròn đàn cá đang hoảng loạn, tìm cách thoát ra ngoài. “Chúng tôi đánh bắt theo tổ, đội trên biển và thường liên lạc với nhau để sẵn sàng ứng cứu khi gặp nạn. Gặp đàn cá lớn liền thông báo cho nhau đến đánh bắt chung chứ không giấu giếm gì cả" - ngư dân Nguyễn Dương cho hay.

Biển cả bao la nghìn trùng sóng vỗ. Những con tàu lắc lư giữa đại dương mênh mông, ngư dân miệt mài buông - kéo lưới như bao đời vẫn thế.

Phổ Quang hiện có 273 tàu cá với tổng công suất hơn 126.000 CV cùng gần 2.200 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. Nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang có hơn 1.300 đoàn viên đánh bắt trên 150 tàu cá. "Thời gian qua, Ban chấp hành nghiệp đoàn tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên được tham gia tập huấn về kỹ năng đánh bắt, bảo quản hải sản và phổ biến pháp luật liên quan đến việc khai thác hải sản trên biển. Chúng tôi cũng vận động các đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ cho đoàn viên khó khăn, chủ tàu cá và ngư dân gặp nạn..." - ông Cẩm cho biết.

Bài và ảnh của HỮU NHÂN
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.