Những tù nhân của siêu trí nhớ

Tường Linh (Theo Guardian) |

Trong khi chúng ta ai cũng đều cảm thấy khó khăn, không ít thì nhiều, khi muốn ghi nhớ thông tin nào đó vào đầu, trên thế giới lại có một số ít người gặp vấn đề ở chiều ngược lại: Họ không thể quên hầu như mọi chuyện từng xảy ra mỗi ngày trong cuộc đời mình.

Nếu bạn hỏi người phụ nữ Mỹ có tên Jill Price về bất kỳ ngày nào trong cuộc đời, bà có thể đưa ra câu trả lời gần như tức thì. Price đã làm gì trong ngày 29.8.1980? “Hôm đó là thứ Sáu. Tôi đến Palm Springs cùng các bạn là chị em song sinh Nina và Michelle với gia đình họ nhân ngày lễ Lao động”. Khi ấy Price mới 14 tuổi 8 tháng. Thế điều gì đã xảy ra ở lần lái xe thứ 3 trong đời? “Đó là thứ Bảy - ngày 10.1.1981, tôi học lái xe ở trung tâm Teen Auto”. Khi ấy, bà mới 15 tuổi. Lần đầu tiên bà nghe ca khúc “Jessie’s Girl” của Rick Springfield là khi nào? “Ngày 7.3.1981”. Khi đó, Price đang lái xe chở mẹ và bà đang rầy la cô con gái. Năm ấy, Price được 16 tuổi 2 tháng.

Người phụ nữ với trí nhớ diệu kỳ

Price sinh ngày 30.12.1965 ở New York. Ký ức rõ nét sớm nhất mà bà lưu giữ được tới nay là từ năm 18 tháng tuổi. Thời bé, bà sống cùng cha mẹ ở một căn hộ nằm đối diện Bệnh viện Roosevelt tại khu Manhattan. Bà còn nhớ rõ xe cộ rầm rầm chạy qua lại suốt ngày đêm và tiếng còi xe cấp cứu liên tục xuất hiện. Bà cũng nhớ mình đã rất thích leo lên chiếc ghế bành nằm ở phòng khách để nhìn xuống Đại lộ số 9 nhộn nhịp người qua lại.

Năm Jill Price lên 5 tuổi, gia đình bà dọn tới sống ở South Orange, New Jersey. Họ ở trong một căn nhà ốp gạch đỏ cao 3 tầng với phần sân rất lớn, nhiều cây to. Bà rất thích ở đây. Năm bà 7 tuổi, cha đẻ xin được việc làm tại kênh truyền hình Columbia Pictures ở Los Angeles. Ông có một năm đi về giữa California và New Jersey, trước khi quyết định đưa cả nhà tới đây vào mùa xuân năm 1974. Đó cũng là khi bộ não của Jill “biến đổi”.

Từ bé, bà luôn có tài năng ghi nhớ mọi thứ rất giỏi. Biết rằng sau khi rời New Jersey, cuộc sống sẽ thay đổi không thể giống như cũ nên Price đã cố nhớ mọi thứ về thế giới mà bà sắp bị lôi đi khỏi. Bà lập nên các danh sách về những thứ cần ghi nhớ, chụp hàng loạt bức ảnh, giữ lại mọi kỷ vật như các tấm vé xem phim, các áp phích... Đó là một nỗ lực của Price nhằm tự huấn luyện bộ nhớ của mình và kết quả là bà đã có khả năng mà ít ai khác có được.

Price là người đầu tiên trên thế giới được chẩn đoán mắc chứng siêu trí nhớ về bản thân (HSAM). Bà có thể nhớ về các sự kiện đã xảy ra gần như mọi ngày trong đời, rõ ràng như thể chúng ta nhớ về những gì mới diễn ra cách đây vài phút vậy. Những ký ức từ cách đây 20 năm có thể được Price nhớ lại một cách dễ dàng, như thể đó là câu chuyện mới xảy ra cách đây 2 hôm.

Trước Price, HSAM là hội chứng chưa hề tồn tại. Bà chính là người đã khiến những định nghĩa về hội chứng này ra đời. Ngày 8.6.2000, Price, khi ấy 34 tuổi 5 tháng, gửi thư điện tử cho Tiến sĩ James McGaugh ở Đại học California. Khi ấy, McGaugh đang là Giám đốc Trung tâm sinh học thần kinh về khả năng học tập và ghi nhớ của trường Đại học California.

Trong thư, Price nói rằng, bà có một số vấn đề liên quan tới trí nhớ: “Mỗi khi nhìn thấy thông tin về một ngày tháng cụ thể xuất hiện trên TV (hoặc bất cứ nơi nào khác), đầu óc tôi lập tức quay trở lại ngày hôm đó trong quá khứ và tôi nhớ rõ mình đang ở đâu, đang làm gì. Việc này diễn ra liên tục, không thể kiểm soát được, gây cảm giác rất mệt mỏi. Mỗi ngày, tôi đều phải xem lại toàn bộ cuộc đời của mình và điều đó khiến tôi phát điên”.

Nhận thấy trường hợp của Price đặc biệt, McGaugh đã mời bà tới văn phòng để nói chuyện. Để kiểm tra trí nhớ của Price, McGaugh sử dụng một cuốn sách có ghi lại những câu chuyện đáng chú ý nhất trong vòng 100 năm qua. Người nào nhớ được hết các sự kiện này hẳn phải có trí lực siêu phàm. McGaugh bắt đầu vào năm 1974, thời điểm Price nói bà bắt đầu có khả năng nhớ rất lâu.

“Khi nào thì cuộc khủng hoảng con tin ở Iran bắt đầu?” Sau khi im lặng một chút, Price trả lời: “Ngày 4.11.1979”. McGaugh cho rằng Price đã sai vì sách nói ngày 5.11, nhưng bà khẳng định mình không thể nhầm. Bán tín bán nghi, McGaugh kiểm tra một nguồn khác và sững người khi thấy Price đã đúng, cuốn sách đã ghi nhầm ngày.

Những câu hỏi khác Price cũng trả lời nhanh, tự tin và đa phần đều chính xác như vậy. Ngày nào cảnh sát Los Angeles đánh đập tài xế taxi Rodney King? Chủ Nhật, ngày 3.3.1991? Chuyện gì xảy ra vào ngày 16.8.1977? Elvis Presley thiệt mạng trong phòng tắm ở Graceland. Khi nào Bing Crosby qua đời? Thứ Sáu, ngày 14.10.1977, tại một sân golf ở Tây Ban Nha.

Một hiện tượng đặc biệt hiếm gặp

McGaugh là một tên tuổi rất lớn trong hoạt động nghiên cứu về trí nhớ con người. Ông đã có hơn 550 công trình nghiên cứu và sách viết về lĩnh vực này. Ông đã nghiên cứu về trí nhớ bám rễ sâu trong não bộ suốt nhiều thập kỷ, nhưng chưa từng thấy ai có khả năng mạnh như Price.

Cuộc gặp đặt biệt khiến McGaugh hy vọng việc nghiên cứu tình trạng của Price có thể mở ra cánh cửa bí ẩn cho thấy trí nhớ con người vận hành ra sao. Ông thành lập một đội nghiên cứu để xác định rõ khả năng ghi nhớ của bà.

Trong đó, Elizabeth Parker, một chuyên gia tâm lý thần kinh, chịu trách nhiệm lập bản đồ về khả năng học và nhớ của Price. Nhà thần kinh học Larry Cahill thì giúp phân tích các kết quả thu được từ việc nghiên cứu Price. Trong vòng 5 năm tiếp theo, Price đã trải qua rất nhiều cuộc thử nghiệm chuẩn hóa về trí nhớ, chỉ số thông minh (IQ) và khả năng ghi nhớ.

Bà còn được cho làm các bài thử được nhóm nghiên cứu tạo riêng cho mình. Ví dụ, họ hỏi Price về ngày chính xác của mọi lễ Phục Sinh từ năm 1980 tới 2003. Bà đã cho đáp án đúng gần hết các kết quả, chỉ sai có một lần. Và kết quả sai đó cũng chỉ lệch 2 ngày so với thời gian chính xác. Không những thế, Price còn có thể kể rõ bà đã làm gì trong từng lễ Phục Sinh.

Khi các nhà nghiên cứu lặp lại bài kiểm tra sau thời điểm thử đầu tiên 2 năm, Price đã trả lời không sai ngày nào. Những câu chuyện kèm theo từng lễ Phục Sinh mà bà kể cũng giống hệt những gì đã nói trước đó. Ví dụ, vào ngày 17.4.1987, bà bị nôn ra cà rốt. Trong khi vào ngày 12.4.1998, bà cảm thấy cả ngôi nhà có mùi như một miếng thịt đùi lợn muối khổng lồ.

Việc xác nhận một người có siêu trí nhớ hay không là điều khá khó thực hiện. Nhưng may mắn cho McGaugh, Price lại có thói quen viết nhật ký về cuộc đời mình. Bà đã ghi chép chi tiết về cuộc sống của mình sớm nhất từ ngày 24.8.1980, thời kỳ đang đi học trung học và muốn nhớ mãi các cảm giác về mối tình đầu tiên.

Sau đó, gần như đều đặn mỗi ngày Price đều viết nhật ký ít nhất một lần, với nội dung nói về các sự kiện nổi bật nhất hôm đó của đời bà. Các dòng nhật ký của Price được ghi chép ngăn nắp trong những cuốn lịch, tệp giấy, sổ ghi chú, giấy ghi nhớ, thậm chí trên cả giấy dán tường trong phòng ngủ thời thơ ấu của bà.

Với Price, việc viết lại ký ức giống như bằng chứng cho thấy các sự kiện đã diễn ra thực sự hiện hữu trong đời bà. Đây cũng là một cách để bà kiểm soát các suy nghĩ luôn luôn nhảy múa trong đầu. Price hiếm khi đọc lại nhật ký và dựa vào việc bà luôn trả lời cực nhanh các câu hỏi ngẫu nhiên mà nhóm nghiên cứu đưa ra, có thể thấy khả năng ghi nhớ tất cả của người phụ nữ này không phải là một sự giả vờ hay qua chuẩn bị trước.

Nhóm nghiên cứu đã so sánh tất cả những gì Price kể ra với câu chuyện ghi trong nhật ký của bà và luôn kinh ngạc trước sự chính xác của câu trả lời. Theo thời gian, họ dần nhận ra siêu trí nhớ của Price là điều chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, Price chỉ nhớ rõ mọi thứ liên quan tới bản thân bà. Về các sự kiện khác trong lịch sử, khả năng ghi nhớ của bà cũng chỉ như người bình thường.

Đơn cử như việc Price chỉ nhớ về cuộc khủng hoảng con tin ở Iran, bởi hôm đó vô tình có đọc báo và muốn dùng sự kiện để đánh một cái dấu đáng chú ý trong cuộc đời. Vì không thích đi học ở trường nên bà cũng không nhớ rõ mình đã học hành ra sao. Tuy nhiên, Price lại trả lời cực tốt các câu hỏi liên quan tới những nội dung đã diễn ra trên truyền hình trong những năm 1960 và 1970 - các thời kỳ vui vẻ tuyệt vời mà bà từng muốn lưu giữ mãi trong ký ức.

Các chi tiết, nếu chúng không phải thứ Price quan tâm, vẫn bị lãng quên. Ví dụ, một lần nhóm nghiên cứu đề nghị Price nhắm mắt và kể lại rằng hai người tham gia trò chuyện với bà đang mặc quần áo gì. Dù có vài giờ làm việc cùng nhau trong ngày hôm đó, Price vẫn không thể trả lời. Lần khác, bà được đề nghị nhìn vào một dãy các con số ngẫu nhiên và phải ghi nhớ thật tự của chúng trong một khoảng thời gian nhất định. Price cười và trả lời ngay rằng bà không thể thực hiện được. Trí nhớ của Price, dù siêu việt, vẫn có sự chọn lọc như mọi bộ não khác. Nó chỉ lưu trữ các thông tin mà Price xem là quan trọng và bà còn hơn người ở khả năng lưu trữ, trích xuất ký ức từ bộ não của mình.

5 năm sau cuộc gặp đầu tiên giữa Price và McGaugh, nhóm nghiên cứu của ông đã xuất bản một công trình nghiên cứu mang tên “Một trường hợp bất thường có khả năng siêu ghi nhớ về bản thân” trên tuần báo khoa học Neurocase trong tháng 2.2006. Trong nghiên cứu, họ đánh giá Price “vừa là quản giáo vừa là tù nhân” của trí nhớ, khi không thể quên phần lớn những điều đã xảy ra trong cuộc đời mình.

Nhóm kết luận rằng Price là trường hợp vô cùng đặc biệt khi nghiên cứu về trí nhớ, nhưng thừa nhận vẫn không thấu hiểu được cơ chế đằng sau khả năng siêu ghi nhớ của bà. Khi ấy, họ không hề biết rằng ngoài kia còn có những người khác giống như Price.

Cơn ác mộng từ siêu trí nhớ

Price lập tức được truyền thông chú ý sau khi nhóm McGaugh công bố kết quả nghiên cứu. Câu chuyện của bà đã trở thành động lực giúp nhiều người có khả năng tương tự liên hệ nhóm nghiên cứu, với hy vọng tìm được liều thuốc giải cho vấn đề của họ. Siêu trí nhớ khiến họ chỉ có thể nghĩ về bản thân mỗi khi một ngày tháng nào đó lướt qua trước mắt, và như thế rất khó để làm được việc gì khác.

Dù câu chuyện về HSAM xuất hiện trên các chương trình nổi tiếng như 60 Minutes với 19 triệu người xem, dẫn đến việc nhóm nghiên cứu nhận được hàng nghìn đề nghị xem xét những trường hợp tương tự, nhưng tới năm 2011, cũng chỉ 22 người được xác định có khả năng siêu ghi nhớ về bản thân.

Với nhóm McGaugh, việc có thêm các trường hợp mới để nghiên cứu rất phấn khích. Nhưng đồng thời nó cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải họ đang lãng phí thời gian, bởi sau rốt thì cũng chỉ vài chục người sở hữu khả năng ghi nhớ đặc biệt. Họ không đại diện cho số đông ngoài kia. Cuối cùng nhóm vẫn quyết định sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu.

Việc có nhiều người để xem xét khiến các nhà khoa học thấy rằng các đối tượng HSAM không chỉ hơn người trong khả năng nhớ lâu mà còn nhớ đúng. Trong mọi trường hợp có thể kiểm chứng, họ luôn trả lời chính xác 87% các câu hỏi. Đã bắt đầu có những manh mối đầu tiên về việc vì sao họ sở hữu khả năng ghi nhớ hơn người.

Theo đó, phần lớn đối tượng HSAM đều có sự huấn luyện nhất định để não bộ của họ ghi nhớ sự kiện theo các danh mục (như mỗi ngày 15.4 đã diễn ra thế nào). Việc sắp xếp ký ức theo cấu trúc của kho dữ liệu hay thư viện kiểu này dường như giúp họ ổn định đầu óc và có thể tiếp tục sống bình thường. Thường thì họ sẽ thống kê ký ức theo ngày tháng.

Tất cả đối tượng HSAM dường như đều có thói quen tua ngược lại ký ức trong tâm trí. Họ thách thức bản thân nhớ các ngày tháng và sự kiện đã qua. Như khi Jill Price sấy tóc, bà sẽ lật giở lại ký ức và nhớ về mọi ngày 4.10 đã trôi qua trong đời. Còn khi Bob Petrella, một đối tượng HSAM khác trong chương trình nghiên cứu, bị kẹt xe, ông sẽ nhớ lại mọi thứ Bảy tuyệt vời nhất mà đời mình đã từng trải qua.

Các nhà nghiên cứu cũng thấy, đa phần đối tượng HSAM thể hiện các hành vi giống như bị ám ảnh. Người thì luôn sắp xếp tiền mặt trong ví theo trật tự ABC của tên ngân hàng dự trữ đã phát hành đồng tiền. Người như Price lại cất hết tất cả loại đồ chơi và búp bê hoặc các kỷ vật riêng tư khác. Nhóm cho rằng, việc lặp lại các hành vi giống như bị ám ảnh cho thấy, đối tượng HSAM cũng làm điều tương tự với trí nhớ của họ, qua đó càng củng cố chúng hơn theo thời gian.

Hoạt động quét não cũng cho thấy, đối tượng HSAM có những khác biệt trên vỏ não so với người bình thường. Họ có nhiều nếp nhăn hơn ở các khu vực chuyên chịu trách nhiệm gợi nhớ ký ức và cảm xúc, cũng như tại các khu vực chịu trách nhiệm ghi nhớ.

Tuy nhiên, không một phát hiện nào kể trên có thể lý giải đầy đủ, tận gốc rễ, vì sao các đối tượng HSAM lại ghi nhớ tốt như vậy. Bởi nhiều người khác cũng tìm cách làm giống họ, nhưng không thể có khả năng ghi nhớ tương tự.

Với các nhà nghiên cứu về trí nhớ, ký ức chính là thứ định hình chúng ta. Có lý do để người ta sợ bệnh mất trí hơn bệnh ung thư. Khi một người thân yêu dấu qua đời, chúng ta đều sợ có ngày sẽ lãng quên mất giọng nói của họ ra sao, tiếng cười của họ từng như thế nào - và rồi chắc chắn chúng ta sẽ quên.

Cảm giác thật không dễ chịu khi tất cả những điều từng được ta xem là tuyệt vời, vui vẻ, quan trọng, hay kinh hãi và đớn đau rồi cũng sẽ bị quên lãng hết. Nhưng những người mắc hội chứng HSAM thì vẫn có thể nhớ mãi, hoặc ít nhất là lâu hơn chúng ta nhiều. Vậy một câu hỏi đặt ra là nếu có cơ hội, bạn có muốn sở hữu siêu trí nhớ?

Với Price, câu trả lời chắc chắn là không. Tìm cách chữa bệnh nhớ dai là lý do bà chủ động tìm tới gặp McGaugh. Cuộc sống và ký ức của Price có quá nhiều nỗi buồn mà bà muốn quên, nhưng không thể quên. Ví dụ, ngày 30.3.2005, thời điểm chồng bà, ông Jim, qua đời ở tuổi 42 vì đột quỵ. Price còn nhớ rõ đôi mắt mở to nhưng vô hồn của chồng. Những ký ức như thế khiến bà mệt mỏi, sợ hãi, không muốn mạnh mẽ sống tiếp đời mình vì có thể sẽ gặp các biến cố bi thảm tương tự.

McGaugh tin rằng, vấn đề mấu chốt thực sự liên quan tới HSAM không phải là vì sao những con người này có thể nhớ lâu, mà là vì sao họ nên biết cách quên. “Tóm lại, họ là những người quên kém, trong khi quên là chuyện bình thường, là điều nhân loại rất cần”.

William James - một nhà tâm lý học và triết học tiên phong người Mỹ, người góp sức định hình tâm lý học hiện đại thì từng - cho rằng: “Sự cân bằng hợp lý giữa khả năng quên và nhớ đóng vai trò xương sống để chúng ta xây dựng con tàu tinh thần”. Theo ông, nếu nhớ hết mọi thứ, người ta rồi cũng sẽ mắc bệnh giống như những người chẳng nhớ được thứ gì.

Tường Linh (Theo Guardian)
TIN LIÊN QUAN

Phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát

Bảo Hân |

Tối 5.10, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Huy động 600 người dập đám cháy rừng ở Hải Dương

Công Hòa |

Hải Dương - Một đám cháy bất ngờ xảy ra tại khu vực chùa Gạo, theo hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (phường An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương).

Bỏ quy định ghi âm, ghi hình giám sát công an làm nhiệm vụ

Tô Thế |

Theo nội dung Thông tư mới, hình thức giám sát của nhân dân đối với lực lượng công an làm nhiệm vụ qua ghi âm, ghi hình được loại bỏ.

Nhịp sống đang dần trở lại với người dân Làng Nủ

NHÓM PV |

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cuộc sống của người dân trong khu tạm cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đang dần ổn định.

Thế và lực của Việt Nam đủ sức triển khai đường sắt cao tốc

Xuyên Đông |

Các chuyên gia khẳng định, thế và lực của Việt Nam hiện tại hoàn toàn đủ sức để triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Lào Cai: Các nhà máy thuỷ điện khắc phục thiệt hại sau bão

NHÓM PV |

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho 26/74 nhà máy thuỷ điện trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 1.000 tỉ đồng.

Bãi quặng trái phép tại trung tâm nông nghiệp đã được di dời

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Dù là dự án trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thế nhưng nơi đây lại biến thành bãi tập kết quặng, vật liệu.

Trung tâm Y tế xin rút kinh nghiệm vì thu chi sai tiền tỉ

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar xin kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc vì đã thu và chi sai số tiền phụ cấp ưu đãi hơn 1,6 tỉ đồng.