Doanh nghiệp “choảng” nhau, ngàn người khốn đốn

XUÂN HÙNG |

Đến ngày 15.4, các cấp chính quyền Thanh Hoá vẫn chưa thể xử lý được tranh chấp giữa hai doanh nghiệp trên địa bàn TP.Thanh Hoá là Cty CP xây dựng và thương mại Minh Dũng (Cty Minh Dũng) và Cty TNHH hỗ trợ phát triển giáo dục Sao Khuê (Cty Sao Khuê). Cuộc chiến căng thẳng đã đẩy nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì mất điện sản xuất. Hàng trăm hộ dân khốn đốn vì nước thải không có đường thoát, ngập đến tận nhà.

Tranh chấp đất đai…

Năm 2008, Cty Sao Khuê được UBND huyện Quảng Xương giao đất tại thôn Thịnh Hùng (Quảng Thịnh, Quảng Xương, nay là TP.Thanh Hoá) để thành lập công ty. Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hoá có văn bản chấp thuận giao 10.161m2 đất cho Cty Minh Dũng thực hiện nhà máy sản xuất gỗ ngay cạnh Cty Sao Khuê. Tuy nhiên, đến tháng 6.2010, Cty Minh Dũng mới chỉ giải phóng mặt bằng được 9.894m2, còn lại 267m2 chưa giải phóng mặt bằng. Phần đất này trước kia UBND xã Quảng Thịnh cho hộ ông Ba Tùng đấu thầu. Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Cty Minh Dũng - thì “bao giờ có nhu cầu, mới giải phóng”.

Năm 2011, Cty Sao Khuê thoả thuận với hộ ông Ba Tùng san lấp, xây tường rào, trồng cây trên diện tích này để cho thuê mặt bằng, nhà xưởng. Năm 2014, Cty Minh Dũng xin chuyển mục đích sử dụng lô đất trên làm trạm dừng nghỉ cấp I và đã được Bộ trưởng Bộ GTVT ra quyết định “bổ sung trạm dừng nghỉ trên QL 1A đoạn tránh TP.Thanh Hoá vào quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Đến thời điểm này, Cty Minh Dũng tiếp tục gửi văn bản xin giải phóng mặt bằng và được thuê lại 267m2 trên. Theo ông Nguyễn Thế Lãnh - PCT UBND xã Quảng Thịnh, Cty Minh Dũng đã nộp đủ tiền thuê đất cho 267m2 và đang làm thủ tục thuê đất 50 năm.

Tranh chấp xảy ra khi Cty Minh Dũng tiến hành san lấp diện tích 267m2. Cty Sao Khuê phản đối, yêu cầu Cty Minh Dũng phải bồi thường toàn bộ số tiền Cty Sao Khuê đã trả cho hộ ông Ba Tùng cũng như tiền giải phóng mặt bằng, cây cối trên đất. Làm việc với Báo Lao Động, Cty Sao Khuê cho hay, số tiền này trên 100 triệu, còn theo ông Nguyễn Tiến Trung thì Cty Sao Khuê đòi tới hơn 400 triệu(?!). Khi Cty Minh Dũng đang san lấp thì Cty Sao Khuê phản đối, báo lên cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp điêu đứng

Từ mâu thuẫn trên, ngày 29.3.2015, Cty Minh Dũng cho máy múc nghiêng cây cột điện truyền tải điện vào Cty Sao Khuê. Đường điện này là tài sản của Cty Sao Khuê. Công ty này hoạt động trước nên đã xây đường điện và trạm biến áp riêng. Khi mới hoạt động, Cty Minh Dũng đã dùng nhờ trạm biến áp này. Tuy nhiên, khi Cty Minh Dũng đề nghị được ký hợp đồng với điện lực nhưng vẫn dùng đường điện và trạm biến áp của Sao Khuê, đóng góp dần tiền thiết bị cho Sao Khuê thì Cty Sao Khuê không đồng ý, vì sợ khó cho mở rộng sản xuất. Sau đó, Cty Minh Dũng ký hợp đồng với Điện lực Quảng Xương xây lắp trạm biến áp mới, đồng thời cho múc nghiêng cột điện vì cho rằng, cột điện này nằm trên đất Cty. Bên cạnh đó, Cty Minh Dũng cũng lắp một loạt bán bình tôn dưới đường dây điện trên với lý giải “đất của tôi, tôi làm gì đúng pháp luật là được”. Ngay sau đó, Điện lực Quảng Xương cắt đường điện vào Cty Sao Khuê vì không đảm bảo an toàn.

Mất điện gần nửa tháng, một loạt công ty thuê mặt bằng của Cty Sao Khuê rơi vào khốn đốn. Cty TNHH An Thành Phong chuyên chế biến, bán buôn gạo cung cấp cho hầu hết cửa hàng buôn bán gạo trên TP.Thanh Hoá và các huyện miền núi rơi vào tê liệt. Theo đại diện Cty An Thành, mỗi ngày họ chế biến, xuất kho khoảng 70 tấn gạo. Không có điện, không thể chạy bằng máy phát vì công suất cao dẫn đến gần 500 tấn gạo nguyên liệu không được chế biến đang có nguy cơ hư hỏng, thiệt hại nặng. 

Ông Nguyễn Đình Hùng - đại lý bán gạo tại P.Đông Hương, TP.Thanh Hoá - nói: “Xưởng chế biến mất điện khiến chúng tôi cũng khốn đốn theo. Mất uy tín với bà con, kinh doanh lụn bại”. Ông Phạm Xuân Việt - phụ trách kinh doanh Cty TNHH Thanh Hưng chuyên sản xuất chất tẩy rửa - bức xúc: “Tôi không biết hai ông doanh nghiệp, ông nào đúng ông nào sai nhưng các cấp phải quan tâm lo điện cho chúng tôi sản xuất chứ. Nửa tháng phải đóng cửa rồi, 25 công nhân nghỉ việc, tiền ngân hàng vẫn phải đóng, tiền thuế vẫn phải nộp. Chúng tôi như bị bỏ rơi”. Một số doanh nghiệp khác thuê mặt bằng của Cty Sao Khuê cũng trong tình cảnh khóc dở mếu dở.

Trong khi các doanh nghiệp đang rên trời thì các cơ quan chức năng vẫn lừng chừng không biết gỡ bằng cách nào. Ông Nguyễn Thế Lãnh - PCT UBND xã Quảng Thịnh - nói: “Nhìn thấy tình cảnh các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do mất điện chúng tôi cũng rất thông cảm, nhưng cũng chỉ biết làm văn bản đề nghị lên trên”. Ông Hoàng Xuân Hưng - GĐ Điện lực Quảng Xương - cho hay, ông thường xuyên nhận được kêu cứu của các doanh nghiệp nhưng không thể cấp điện khi không đảm bảo an toàn. “Do đường điện vào Cty Sao Khuê là tài sản của doanh nghiệp nên chúng tôi không thể can thiệp”. 

Thực tế, Điện lực Quảng Xương đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm “giải hoà” 2 doanh nghiệp trên nhưng không thành. Ngày 9.4, đơn vị này đứng ra đảm bảo kỹ thuật dựng lại cột điện nhưng cũng phải… chạy mất dép vì sợ “không phải đầu cũng phải tai” khi cả 2 doanh nghiệp cùng “huy động lực lượng” để “bảo vệ quan điểm” của mình.

Sáng 14.4, ông Hưng lại tiếp tục ký văn bản đề nghị 2 doanh nghiệp ngồi lại với nhau, dựng lại cột điện, phá bỏ bán bình để cấp điện tạm, gỡ khó cho các doanh nghiệp khác, còn lâu dài phải nâng cao cột điện hoặc hạ ngầm. Đến chiều 14.4, điện vẫn chưa được cấp lại. Các cấp chính quyền liên quan ở Thanh Hoá vẫn chưa có cách giải quyết nào cụ thể.

Hứng chịu nước thải, dân 7 lần làm đơn kêu cứu

Tranh chấp giữa hai doanh nghiệp trên không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp “hàng xóm” mà còn khiến hàng trăm hộ dân thôn Thịnh Hùng, Quảng Thịnh điêu đứng nhiều năm qua. Theo đơn kêu cứu lần thứ 7 của người dân, việc lấp cống tiêu nước có từ trước trên đất của hai doanh nghiệp trên khiến “ngập úng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân”. 

Ông Nguyễn Thế Lãnh - PCT UBND xã Quảng Thịnh - xác nhận: “Tình trạng ngập úng hiện rất nghiêm trọng. Gần 20ha bị ngập do mất cống, trong đó gần 7ha đất ruộng đã không thể sản xuất 5 năm qua. Cuộc sống người dân và một số cơ quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nước thải ứ lên gần nhà”. Thực tế, nước ứ đọng khiến ruộng giờ đã biến thành hồ, nước thải sinh hoạt với nước ruộng đọng lại bốc mùi, nắng lên càng kinh khủng.

Cây cột điện bị xô nghiêng.

Theo điều tra của Lao Động, trước kia, tuyến này có cống Nấp Bà được làm từ thời Pháp thuộc. Cống này tiêu thoát nước cho hầu hết các xã của huyện Quảng Xương. Tuy nhiên, cống này đã bị vô hiệu hoá từ lâu, nhất là từ khi Cty BOT thực hiện xây dựng đường tránh. “Đáng lý, Cty BOT khi xây dựng đường tránh phải hoàn thiện công trình thoát nước, nhưng họ chỉ làm xong đường rồi mất hút” - ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Cty Minh Dũng - nói. 

Theo ông Nguyễn Thế Lãnh - PCT UBND xã Quảng Thịnh, bản đồ 299 của địa chính xã vẫn thể hiện rõ, sau khi cống Nấp Bà bị vô hiệu hoá, xã Quảng Thịnh đã xây mương thoát nước bằng bêtông đi qua phần đất của Cty Sao Khuê. Khi Cty Sao Khuê giải phóng mặt bằng đã lấp đoạn cống này. Nước tự động chảy sang phần đất của Cty Minh Dũng. Năm 2010, Cty Minh Dũng san lấp mặt bằng, nước hết đường chảy, ứ đọng lại. Phía bên kia đường, nhân dân lãnh đủ.

Dân kêu nhiều, tình thế cấp bách, UBND TP.Thanh Hoá đã đưa ra 2 phương án giải quyết. Một, làm cống thoát ngược qua đất của Cty Minh Dũng, phương án này hết khoảng 1,4 tỉ đồng. Hai, làm cống chảy theo chiều xuôi theo cạnh đường phần đất Cty Sao Khuê. Phương án này tốn khoảng 1,2 tỉ đồng. Cuối cùng, TP.Thanh Hoá quyết làm theo phương án 2. Tuy nhiên mới thực hiện bản vẽ, khoan thăm dò, “phương án 2” đã bị Cty Sao Khuê phản đối quyết liệt và dự án tạm dừng. Nước vẫn ứ lại, dân lại tiếp tục viết đơn kêu cứu, chính quyền lại loay hoay, cứ vậy luẩn quẩn năm này sang năm khác và có nguy cơ còn phải “viết đơn” thêm nhiều năm nữa...

 

XUÂN HÙNG
TIN LIÊN QUAN

1 tài xế ôtô đưa đón học sinh dùng giấy phép lái xe giả

Duy Tuấn |

Bình Thuận - Một tài xế ôtô đưa đón học sinh dùng giấy phép lái xe giả bị phát hiện và xử phạt.

Vẫn khó giao dịch vàng nhẫn ở TPHCM

HẠ MÂY |

Nhiều người dân TPHCM đến các cửa hàng giao dịch vàng nhẫn, nhưng không thành, vì thời điểm này, các thương hiệu vàng lớn không có hàng để bán.

Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.765 phạm nhân

Ái Vân |

Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Dự án cải tạo dốc Cun trên Quốc lộ 6 lại trễ hẹn về đích

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Dự án xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông ở dốc Cun trên Quốc lộ 6 không về đích đúng hạn, chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn lần thứ 2.

Đề án thí điểm sắp xếp mô hình tổ chức CĐ trực thuộc CĐ Ngân hàng Việt Nam

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 30.9, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN họp lần thứ 7, khóa XIII dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Một trong những nội dung được thảo luận, cho ý kiến là Tờ trình Đề án thí điểm sắp xếp mô hình tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tập trung, xuyên suốt, hiệu quả.

Tọa đàm "Để ô nhiễm môi trường sau bão lũ không còn là nỗi lo"

Nhóm PV |

Bên cạnh những mất mát, đau thương về người và của, một vấn đề khác nhận được rất nhiều sự quan tâm đó chính là vấn ô nhiễm môi trường sau bão lũ. Và một trong những nơi đang phải chịu áp lực từ nguồn rác thải khổng lồ đó chính là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Trước tình hình này, Báo Lao Động đã tổ chức buổi tọa đàm "Để ô nhiễm môi trường sau bão lũ không còn là nỗi lo".

Erik ten Hag chưa nghĩ đến chuyện bị Man United sa thải

NGUYỄN ĐĂNG |

Huấn luyện viên Erik ten Hag vẫn có những phát biểu cứng rắn, dù Man United phải trải qua trận thua 0-3 trước Tottenham.

Thi công cao tốc Bắc - Nam gặp khó do mưa lũ

Nhóm PV |

Mưa lũ kéo dài khiến việc thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 qua địa bàn các tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị gặp nhiều khó khăn.