Trà sữa “lột xác” ra sao?
Theo một khảo sát của Lozi, có đến 53% người được hỏi cho biết, họ uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi tháng lại có 8 cửa hàng được mở thêm và người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những tốp thanh thiếu niên xếp hàng mua trà sữa. Ngoài ra, ở những con phố được gọi là "cung đường trà sữa", một dãy thương hiệu mở san sát nhau.
Xuất hiện ở Việt Nam gần 2 thập kỉ trước, sau một thời gian lắng xuống đến nay thức uống này lại được giới trẻ "hồi sinh". Trước đây, trà sữa có giá bình dân (3.000-5.000 đồng/cốc) chỉ có nước, sữa kem, nước trà, ít trân châu… Nay trở lại, trà sữa đã “lột xác” với nhiều công thức khác nhau, tạo ra rất nhiều loại hương vị đặc biệt như trà sữa ô long, kem cheese, đậu đỏ, hồng trà thạch caramen, trà sữa royal,… cùng trân châu trắng, trân trâu 3Q... Giá thành một cốc trà sữa rẻ nhất là 10.000 đồng/cốc, cao nhất 50.000-60.000 đồng/cốc.
Thực đơn đa dạng, nhiều chương trình khuyến mại, một số thương hiệu còn tập trung đầu tư cả không gian cửa hàng trở thành một nơi để trải nghiệm. Thành công của Dingtea đã mở ra một cuộc chạy đua nâng cao chất lượng trà sữa. Sau đó, tại Hà Nội, TP.HCM rầm rộ xuất hiện hàng loạt thương hiệu trà sữa khác nhau như Chatime, CoCo, Trà sữa Tiên Hưởng, Toco Toco, Gong Cha, Bobapop, Chago, Goky, Chevi... Cùng với rất nhiều cửa hàng bán nhỏ lẻ, không thương hiệu.
Trào lưu sẽ nhanh bão hoà?
Cách đặt tên cửa hàng, cách bài trí, thậm chí thành phần một cốc trà sữa của các cửa hàng cũng có tên na ná, dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên, mỗi thương hiệu tạo ra cho mình một sản phẩm riêng khiến những tín đồ của trà sữa không biết nên lựa chọn sản phẩm nào. Chưa kể, mỗi thương hiệu lại có hàng chục loại trà sữa khác nhau.
Tờ Thời nay đã thử tính lợi nhuận của một cốc trà sữa là khoảng 60% sau khi trừ hết các chi phí. Lợi nhuận hấp dẫn và được giới trẻ đặc biệt yêu thích đã khiến nhiều người nhận thấy kinh doanh trà sữa là một “mảnh đất vàng” để đầu tư.
Tuy nhiên, nhiều người trong “nghề” cho biết, nếu đã là xu hướng chạy theo giới trẻ thì cũng rất dễ thoái trào như “mì cay 7 cấp độ” hay “mì bay”... Bên cạnh đó, trào lưu trà sữa còn tiềm ẩn rủi ro bởi các thương hiệu trà sữa hiện tại đang cạnh tranh nhau rất gay gắt về chất lượng sản phẩm, cách phục vụ, vị trí...
Với sự xuất hiện rầm rộ các cửa hàng như hiện nay, khách hàng có rất nhiều lựa chọn. Tại các quán trà sữa, lượng khách hàng bắt đầu phân tán, không còn cảnh “xếp hàng” chờ đợi như thời gian ban đầu. (còn tiếp)