Thưa bác sĩ, cháu đang trong thời kỳ mang thai ở tháng thứ 7. Càng những tháng cuối, trọng lượng cơ thể cháu càng tăng nhanh, bé cũng tăng. Hiện cháu đã tăng 25 kg so với thời con gái.
Cháu sinh con đầu nên chưa có kinh nghiệm và rất lo thai quá to. Xin bác sĩ cho biết, trong quá trình mang thai mẹ tăng bao nhiêu cân là vừa? Trẻ sinh ra nặng bao nhiêu cân hợp lý?
(Nguyễn Hồng Nhung, quận Thanh Xuân, Hà Nội)
BS Lê Thị Kim Dung, khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) trả lời: Trường hợp bình thường, trọng lượng của trẻ khi sinh ra khoảng 3kg. Không ít trường hợp hiện nay trẻ sơ sinh cân nặng hơn.
Y khoa định nghĩa những đứa trẻ này là trẻ to lớn trong thời kỳ thai nhi. Những đứa trẻ to lớn trong thời kỳ thai nhi, ít nhiều đều có những ảnh hưởng không tốt cho quá trình sinh đẻ và trong một số trường hợp còn ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Có nhiều lý do khiến thai nhi to và khi sinh ra nặng cân. Cụ thể, do vóc người của cha mẹ thai nhi cao lớn nên thông qua tác dụng di truyền đã biểu hiện trên cơ thể con cái. Trong nhiều trường hợp, chế độ dinh dưỡng của thai phụ chứa nhiều chất đường và chất béo hoặc thai phụ hấp thu nhiều chất dinh dưỡng khác trong thời gian mang thai.
Ngoài ra, có thể do thai phụ mắc bệnh tiểu đường. Những thai phụ này do insulin trong cơ thể tiết ra không đủ, nồng độ đường huyết tăng cao, lượng đường thông qua nhau thai vào hệ tuần hoàn máu của thai nhi, làm cho nồng độ đường huyết trong máu của thai nhi cũng ở mức tương đối cao, phản hồi kích thích ở tuyến tụy, làm cho cơ thể thai nhi tiết insulin quá nhiều, hình thành nên chứng tăng insulin huyết, khiến lớp mỡ, glycogen, protein tích lũy trong cơ thể thai nhi từ đó làm cho trẻ to lớn.
Ảnh hưởng dễ thấy nhất là trẻ càng to lớn thì quá trình sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Trong một số trường hợp, trẻ to lớn sau khi chào đời, không thể có được lượng đường tương đối nhiều thông qua sự tuần hoàn máu, nhưng insulin huyết vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ thể trẻ, làm cho nồng độ đường huyết trong cơ thể thai nhi giảm, dẫn đến hạ đường huyết. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu ớt, nhãn cầu chuyển động không bình thường, ngưng thở từng cơn, rùng mình, trường hợp nặng có thể ngất lịm.
Thai phụ phải chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong khi mang thai, tránh ăn những thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, tham gia vận động thích hợp, đảm bảo sự khỏe mạnh cho thai nhi.
Bên cạnh đó thai phụ nên thường xuyên khám thai theo định kỳ, kịp thời phát hiện và điều trị bệnh tiểu đường, theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi.