Các tác giả tin rằng đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng dữ liệu dân số để xem xét vai trò của khẩu phần ăn cụ thể trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Tác giả của nghiên cứu, bà Marilyn Cornelis - phó giáo sư y tế dự phòng tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern - cho biết: “Dinh dưỡng của một người ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch. Hệ miễn dịch đóng một vai trò quan trọng trong sự nhạy cảm và phản ứng của một cá nhân đối với các bệnh truyền nhiễm, bao gồm COVID-19".
Nghiên cứu cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ và ăn ít thịt chế biến sẵn cũng có thể mang lại hiệu quả bảo vệ.
“Bên cạnh việc tuân theo các hướng dẫn đang được áp dụng để làm chậm sự lây lan của virus, chúng tôi còn hỗ trợ những cách tương đối đơn giản khác mà các cá nhân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh, đó là thông qua chế độ ăn uống và dinh dưỡng” - bà Cornelis nói.
Bài báo về dinh dưỡng và cách phòng chống COVID-19 mới được xuất bản trên tạp chí Nutrients.
Một hoặc nhiều tách cà phê mỗi ngày có thể giúp giảm khoảng 10% nguy cơ mắc COVID-19 so với ít hơn một tách mỗi ngày. Tiêu thụ ít nhất 0,67 khẩu phần rau mỗi ngày (nấu chín hoặc sống, trừ khoai tây) có thể giúp giảm nguy cơ mắc COVID-19. Tiêu thụ thịt chế biến 0,43 khẩu phần mỗi ngày có liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn. Được bú sữa mẹ khi còn nhỏ sẽ giảm được 10% nguy cơ so với khi không được bú sữa mẹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo vaccine vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa COVID-19, đặc biệt là bệnh nặng và tử vong. Vaccine COVID-19 cũng làm giảm nguy cơ lây lan virus ở người.
Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu về COVID-19 đều tập trung vào các yếu tố riêng lẻ được đánh giá sau khi xét nghiệm COVID-19 dương tính. Những người có hệ miễn dịch kém như người già và những người có bệnh nền như bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường và béo phì, dễ mắc COVID-19 nặng hơn.
Nhưng theo bà Cornelis, ngoài việc quản lý cân nặng, người ta ít chú ý hơn đến các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi khác trước khi mắc COVID-19.
Tiến sĩ Vũ Huyền Thanh - tác giả của nghiên cứu và là phó giáo sư nghiên cứu về y học tại Đại học Northwestern - đang dẫn đầu các phân tích để xác định xem những chế độ ăn uống này có tác dụng bảo vệ trước COVID-19 hay nhiễm trùng đường hô hấp nói chung hay không.
Sử dụng dữ liệu từ ngân hàng sinh học Biobank của Vương quốc Anh, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mối liên quan giữa các chế độ ăn uống được khảo sát trong giai đoạn 2006-2010 và việc lây nhiễm COVID-19 từ tháng 3-12.2020, trước khi có vaccine.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào: 1) các chế độ ăn uống theo dữ liệu có sẵn hiện tại và trước đây liên quan đến khả năng miễn dịch dựa vào nghiên cứu trên người và động vật; 2) lượng uống cà phê, trà, rau, trái cây, cá béo, thịt chế biến và thịt đỏ. Trẻ bú sữa mẹ cũng đã được phân tích.
Trong số 37.988 người tham gia xét nghiệm COVID-19 và được đưa vào nghiên cứu, 17% có kết quả dương tính.