Đi và thấy: Đi học... voọc chà vá chân nâu

NHIỆT BĂNG |

Săn ảnh voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là voọc ngũ sắc) trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) trở thành trào lưu của cánh nhiếp ảnh chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Nhiều người đinh ninh đó là đam mê, thú vui nhưng không hẳn vậy.

Đi “học” sống thật với đời

Nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư Hoàng Hà “hờn lẫy” trước câu hỏi phỏng vấn của tôi về thú săn voọc ở quán cà phê. Chị “bắt” tôi phải leo Sơn Trà một chuyến rồi… tự suy ngẫm chứ không ngồi ở phố “nói như đúng rồi”. Chốt hẹn, ngay chiều hôm sau, tôi và chị đã đặt chân lên nơi được ví bằng cái tên mỹ miều là “hòn ngọc”, “lá phổi xanh”, “bức bình phong”… của Đà Nẵng. “Ê, hôm nay trời nắng đẹp thế này, em cảm là em nó (voọc) ra chơi nhiều hay ít” - chị Hà hỏi dò một đồng nghiệp không hẹn mà gặp giữa ngọn đồi. “Em bỏ việc em đi là câu trả lời luôn rồi đó” - anh đồng nghiệp tên Vinh cười khì.

Vừa dứt lời, trước mặt là một chú voọc ló đầu lên khỏi ngọn cây bên đường. “Ôi em nó tâm trạng quá, không biết đang buồn chuyện gì nhỉ?” - chị Hà vừa đưa tôi xem bức ảnh vừa nhanh tay chụp được vừa mô tả. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi về hoạt động của loài linh trưởng trong hàng nghìn bức ảnh mà chị săn chụp được trên bán đảo. Khoảnh khắc ấy có khi đi cả ngày trời, lân la từng ngọn đồi, mỏm đá cũng không dễ bắt gặp.

Một gia đình voọc chà vá chân nâu ngồi trên mõm đá ngắm cảnh trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HÀ 

Gọi là ăn ngủ cùng voọc thì chưa hẳn nhưng cứ “hở” chút thì giờ nào là chị lại chạy dong xe lên Sơn Trà. “Nếu không yêu thiên nhiên, không có tâm với môi trường sinh thái, chắc mình đã không “đốt” công đón bình minh lên, chờ hoàng hôn xuống, dầm mình dưới nắng mưa để săn voọc như vậy đâu. Hạnh phúc nhất không phải là được nhìn thấy đàn voọc nô đùa mà là lúc bấm máy” - chị Hà nói.

Cũng không phải chị chụp ảnh để khoe, để bán, mà để trả lời cho câu hỏi: “Trời đất ban cho Đà Nẵng một tinh hoa như thế, vì sao mình không thưởng thức” và hơn hết là cầu nối mang cái đẹp ấy đến với công chúng. “Sao không săn khỉ (vì khỉ trên này nhiều gấp bội voọc), chim chóc, bướm hoa… mà phải là săn chà vá mới được. Sao ngày nào chị và đồng nghiệp nhắm chụp mỗi voọc? Mà càng chụp chị càng yêu?”. Bên chiếc ống kính dài nghều đang hướng về phía bầy voọc nô đùa trên cây, chị cười: “Nó không "đại trà" có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nó quá thánh thiện, ngây thơ, trong sáng...".

Và chị chỉ ra triết lý đầy nhân văn: "Nó đi ăn thì có thể nay ăn món này, mai ăn món khác (lá cây, quà rừng) nhưng khi nó ngồi chơi, thưởng thức phong cảnh, hóng mát thì không bạ đâu ngồi đó, mà tìm những vị trí đẹp, cây đẹp như nơi có sóng biển rì rầm, hoặc tiếng suối chảy róc rách. Rồi những lúc mặt trời mọc, chúng lại thích ngồi xem, hay hoàng hôn chúng cũng rủ nhau ngồi ngắm. Có khi, chúng ngồi trên cây phơi nắng, cả phút đồng hồ không động đậy, hồn nhiên đến mức không có ngôn từ nào diễn tả được”.

Chị Hà đã từng… bỏ máy, đứng ngây ngất dưới mưa nhìn cảnh con cái tựa đầu vào hông con đực, con đực đưa tay choàng vào vai con cái, thậm chí có lúc con đực duỗi chân, con cái gác chân lên. Đặc tính của loài voọc là gia đình thường có một “chồng”, nhiều “vợ”. Vậy nhưng, trên cả tuyệt vời, giữa các con voọc cái không bao giờ “gây sự” với nhau, mà chúng sống với nhau trong hòa bình. Điều mà chị và nhiều tay máy khác phải “học” chúng.

“Có thể nó không chủ động dạy, nhưng người phải học nó. Nó không giấu đi cảm xúc thật khi nó vui hay nó buồn. Trong khi con người bao nhiêu năm nay phải dùng kiến thức, tri thức, nhận thức để khống chế cảm xúc của mình. Như em sinh ra “nhân chi sơ, tính bản thiện”, xã hội, môi trường sống dạy cho em nhiều thứ. Dù vô tình, hay cố ý, nếu thấy được mặt trái, mặt phải của con người, em đã sống khác. Còn loài voọc, nó chưa được nhìn thấy gì ngoài cuộc sống của nó nên nó là một đứa trẻ. Con người ta càng hiện đại bao nhiêu họ càng xa rời nhau bấy nhiêu. Ngược lại, thú vui của nó ít, ngoài đi kiếm ăn, trao cho nhau ánh mắt, niềm vui của nó là quanh quẩn chia sẻ cùng nhau trong cánh rừng” - chị Hà nói đôi điều đáng suy nghĩ về loài linh trưởng.

Bảo vệ "báu vật" dừng lại ở "kêu gọi"?

Cánh nhiếp ảnh săn voọc trên bán đảo Sơn Trà không biết chán, nhưng càng yêu chúng bao nhiêu, các nghệ sĩ nhiếp ảnh càng bất bình trước hành động xâm hại đến chúng bấy nhiêu. Lần nào theo chân họ lên bán đảo ngắm voọc, tôi cũng nhận được những lời ca thán, trách cứ "bàn tay con người" từ họ.

"Đủ thứ dự án, rừng rẫy nọ kia "can thiệp" quá mức đến rừng sinh thái này. Còn gì rừng thiên nhiên Sơn Trà nữa!" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Hồng Kỳ thốt lên như vậy. Hình ảnh những con người mang rựa đi dọn rẫy, dúi xe bên vệ đường rồi lủi mất hút vào rừng đặt bẫy luôn khiến họ cảm thấy buồn lòng. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Hà phân vân: "Người ta mang cây ăn quả ở thị thành lên trồng, rồi phát đi những dây leo, nơi trú ngụ của voọc liệu có phá vỡ hệ sinh thái hay không".

Tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Hồng Kỳ - người có nhiều bức ảnh đẹp về voọc chà vá chân nâu - trên đường mòn vòng quanh bán đảo, anh tỏ ra tức tối khi chụp hình ảnh chú voọc lẻ loi một mình ở một góc rừng. Anh bảo: "Khả năng chỗ này đây, những kẻ vì tiền, phá hoại thiên nhiên đã cướp đi 3 mạng con voọc bằng súng hoa cải vừa khởi tố".

Đó là hệ quả của tình trạng buông lỏng quản lý, chưa kể hiện nay còn thiếu luật để buộc tội tàn sát voọc. Nào là hành vi săn giết động vật nhóm 1B có giá trị trên 100 triệu đồng mới bị truy cứu. Rồi các đơn vị định giá cho rằng, “voọc không phải là sản phẩm lưu hành trên thị trường nên không có cơ sở định giá”.

Đầu năm mới 2016, một cuộc triển lãm ảnh rừng thiên nhiên Sơn Trà diễn ra ở đầu cầu Rồng (Đà Nẵng). Triển lãm do Trung tâm văn hóa Đà Nẵng phối hợp với Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng và Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nghệ thuật sông Hàn tổ chức. Hơn 100 bức ảnh chụp về các loài động, thực vật được giới thiệu đến công chúng, trong đó chủ đạo vẫn là voọc chà vá chân nâu. Công sức bao ngày dãi nắng dầm sương của các nghệ sĩ nhiếp ảnh coi như phần nào được đền đáp. Triển lãm không phải là nơi họ khoe ảnh mà là thông điệp họ muốn gửi đến chính quyền, người dân Đà Nẵng nói chung và cả nước nói riêng: Hãy chung tay bảo vệ loài linh trưởng được tôn vinh là báu vật này.

Kêu gọi bảo vệ nhưng lòng họ vẫn ngổn ngang khi nghĩ về "hòn ngọc" Sơn Trà, như dòng tâm sự đầy tâm trạng của nhà nhiếp ảnh Hoàng Hà trên trang cá nhân của mình: "Thực sự con người đang khai thác đến cạn kiệt tiềm năng từ thiên nhiên mà không hề đền bù xứng đáng để có thể sử dụng lâu dài tiềm lực đó. Ai nhìn thấy bà mẹ khỉ gầy còm ôm con cho bú, đôi mắt nhìn xa xăm vô vọng mà không thấy nhoi nhói trong lòng? Ai nhìn thấy môi trường sinh sống của nhiều loài linh trưởng trong tự nhiên đang dần bị thu hẹp mà không mảy may xót xa? Đồng ý rằng, con người có đặc quyền cai quản thiên nhiên, trị vì mọi sinh vật trên trái đất, nhưng mọi sự đều có giới hạn của nó, thiên nhiên không phải là vô tận nếu con người chỉ biết khai thác. Rồi đến một lúc đặc quyền ấy sẽ không tồn tại vĩnh cửu".

Với bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng đang "thức giấc" với những dự án du lịch hoành tráng, nhưng đang "ngủ quên" ứng xử với thiên nhiên. Hãy hành động thay vì kêu gọi vì voọc sẽ không nghe thấy.

Voọc là loài đặc hữu của Đông Dương, có nguy cơ tuyệt chủng khi chỉ còn dưới 2.000 cá thể, riêng VN chiếm 50%, tập trung nhiều nhất ở Sơn Trà với 300 con (2014). Sách đỏ Việt Nam 2007 xếp voọc vào bậc nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng. 

 

 

NHIỆT BĂNG
TIN LIÊN QUAN

Sẽ chi 865 tỉ đồng xây cầu Phong Châu mới

Xuyên Đông |

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) sẽ được đầu tư xây mới với kinh phí dự kiến là 865 tỉ đồng.

Cập nhật kiến thức mới cho cán bộ Công đoàn chủ chốt

Bảo Hân |

Sáng 1.10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng dành cho Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương.

Vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop, học sinh đã đi học trở lại

Chân Phúc |

TPHCM - Số học sinh vắng học ngày 30.9, liên quan đến vụ cô giáo xin hỗ trợ laptop tại Trường Tiểu học Chương Dương đã đi học đầy đủ vào hôm nay 1.10.

Dự báo mới nhất đường đi và cường độ siêu bão số 5 Krathon

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết siêu bão số 5 Krathon ở trên vùng biển đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông sẽ di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc trong 24 giờ tới.

Lý do người dân không đồng tình vụ bồi thường bò sữa bị chết

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Nhiều hộ gia đình có bò sữa bị chết sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho rằng, mức giá bồi thường công ty đưa ra rất thấp, khó tái đầu tư lại.

TPHCM nâng đường nối 3 quận lên cao độ 2,1m để chống ngập

NHƯ QUỲNH |

Ngoài việc xây dựng bờ kè, TPHCM sẽ nâng mặt đường Trần Xuân Soạn theo cao độ quy hoạch 2,1m để ứng phó tình trạng ngập úng suốt nhiều năm qua.

Lựu pháo Nga tiêu diệt nhân lực, khí tài Ukraina ở Kursk

Song Minh |

Lựu pháo D-20 của Nga tiêu diệt khí tài và nhân lực của Ukraina ở tỉnh Kursk của Nga.

Hỗ trợ phí thi lại vì trượt sát hạch lái xe trong mưa bão

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Sau phản ánh của Báo Lao Động về việc thí sinh vẫn thi sát hạch lái xe khi bão số 4 áp sát, phía nhà trường sẽ hỗ trợ chi phí thi lại cho học viên.